Chanh dây là loại cây dễ trồng và dễ thích nghi với nhiều điều kiện đất trồng khác nhau. Tuy nhiên để đảm bảo cây phát triển tốt nhất và cho năng suất cao thì phải chú ý một vài yếu tố. Nếu chăm sóc tốt thì thành quả về sau trái sẽ nhiều và mọng nước hơn, thời điểm thu hoạch sớm. Vậy nên, bài viết này, chúng mình sẽ chia sẻ cách chăm sóc chanh dây phát triển tốt và thu hoạch đúng thời điêm nhé!
Bón lót cho chanh dây trước khi trồng
Trước khi trồng chanh dây, nên đảm bảo đất trồng có chứa đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Bạn có thể cung cấp chất dinh dưỡng bằng cách bón phân ủ hoại mục hoặc phân hữu cơ vi sinh tùy loại. Trung bình lượng phân cần thiết là 10 đến 15kg / hố.
Cách bón lót cho cây chanh dây như sau: Lấy phần phân bón trộn đều với đất. Trường hợp đất chua thì trộn thêm 0,5kg vôi bột để khử chua. Đổ hỗn hợp này vào hố để trồng cây.
Làm giàn leo chanh dây
Chanh dây là loại cây thân leo nên chắc chắn bạn phải làm giàn để khi cây phát triển sẽ có chỗ leo. Bạn có thể thiết kế giàn giống giàn mướp hoặc theo giàn chữ T. Nếu như làm giàn chữ T thì chanh dây sẽ phát triển tốt hơn vì bề mặt tiếp xúc ánh sáng rộng. Như vậy thì hạn chế được việc nấm bệnh tấn công làm thối cây. Chiều cao lý tưởng khi làm giàn là từ 1,8 – 2m. Sử dụng trụ bằng tre, thanh gỗ hoặc tận dụng cọc bê tông để làm. Sau đó dùng dây cước hoặc lưới thép để đan lại. Mỗi ô có kích thước khoảng 40cm x 40cm.
Tưới nước cho chanh dây
Vốn là loại cây ưa ẩm, nên khi trồng chanh dây bạn cần chú ý tưới nước định và thường xuyên. Mỗi ngày bạn tưới nước 2 lần cho cây vào buổi sáng sớm và chiều mát. Ngoài ra, tùy vào điều kiện đặc biệt mà có thể tăng giảm lượng tưới cho phù hợp. Ví dụ vào mùa hè nắng nóng thấy lá dễ bị héo thì nên ngày 3 lần. Ngược lại, mùa mưa để tránh rễ úng nước thì tưới 1 lần / ngày là đủ.
Chanh dây đủ ẩm thì sẽ nhanh ra hoa kết trái, cây có nhu cầu về nước mạnh nhất vào thời điểm ra trái. Nếu trái thiếu nước thì sẽ nhăn nheo, không có ruột thịt, hoa cũng bị rụng đáng kể.
Cắt, tỉa cành và lá để tạo tán cho chanh dây
Khi bạn cắt tỉa và tạo tán thường xuyên cho cây thì sẽ nhanh chóng tạo ra các nhánh phụ. Từ những nhánh phụ này sẽ phát triển khỏe mạnh thành nhánh chính và ra hoa kết trái. Điều này giúp cho năng suất cây trồng tăng. Trái phân bố trên giàn cũng sẽ đều và thu hoạch được nhiều.
Để cây mọc đúng theo chiều của giàn thì ta cần tỉa cành và tạo hình cho cây. Bạn nên quấn những cành thứ cấp vào hướng mà bạn muốn chúng phát triển. Có thể cố định bằng dây để chắc chắn hơn. Khi cây phân bố đều đúng vị trí, sẽ không có tình trạng nhánh phát triển lộn xộn và tụ lại một chỗ chen lấn.
Lúc cây đã lên giàn và tạo hình xong, bạn nên tỉa bớt lá vàng hoặc lá không cần thiết vào mùa mưa hạn chế tình trạng nấm, bệnh phát triển gây hại, ức chế quá trình sinh sản của hoa.
Bạn nên tỉa cây thường xuyên và định kì. Sau mỗi đợt thu hoạch, khi thu trái bạn nên cắt hết tất cả cành và lá chỗ có trái đó luôn. chỉ để lại thân và các cành chính leo từ mặt đất lên giàn. Sau đó lại tiếp tục bón thúc và tưới nước để cây ra chồi mới. Việc tỉa này sẽ tái tạo lại được cây cho quả chất lượng như ban đầu, giữ nguyên năng suất cây trồng.
Bón thúc phân cho cây chanh dây
Bạn bắt đầu bón thúc phân cho cây từ khi mới trồng cho đến khi cây ra hoa. Sau khi trồng cây được khoảng 5-6 tháng thì chanh dây bắt đầu ra hoa. Thời điểm từ tháng 4-5 đến tháng 10-11 hằng năm tùy vào khí hậu ở vùng miền khác nhau.
Nên sử dụng phân bón NPK có hàm lượng lân và đạm cao cho chanh dây. Các loại được khuyên dùng là NPK 16-16-8, NPK 12-12-6,…Lượng phân bón phù hợp là 0,15-0,4kg / cây. Đầu tiên là bón thời điểm sau khi gieo cây được 20 ngày. Cứ định kì bón lượng như vậy mỗi tháng một lần. Khi nào cây ra hoa (thời điểm hoa nhú mầm nhỏ) thì dừng lại.
Hướng dẫn bón thúc cho chanh dây
Bạn nên hòa loãng phân bón với nước để cây hấp thụ phân bón dễ hơn. Gia tăng lượng phân bón theo tốc độ phát triển của chanh dây.
Bạn lại tiếp tục bón phân cho cây chanh leo trong giai đoạn nuôi quả. Hoa khi đã nở được một tuần sẽ bước vào quá trình tạo quả. Thời gian hoa trổ bông đến khi tạo quả chín là mất 60-90 ngày.
Khi cây đậu quả non thì bón phân cung cấp đạm, kali và lân như NPK 15-15-15 hay NPK 16-10-12 hoặc NPK 12-12-18. Bón phân trong khoảng 0,5kg / cây. Bón liên tục 2-3 lần cách nhau khoảng 25 ngày và ngừng lại trước khi thu hoạch trái khoảng 1 tháng.
Sau khi thu hoạch xong trái đợt một ta lại tiếp tục bón phân tái tạo lại sau 1 tuần. Sử dụng phân NPK có nồng độ đạm và lân cao để hồi phục cây. Loại khuyên dùng là NPK 16-16-8, NPK 12-12-6,…Lượng bón là từ 0,3-0,5kg / lần và tăng lên dần. Bón định kỳ như vậy 1 tháng 1 lần thì dừng lại.
Thu hoạch và bảo quản chanh dây
Khi ra trái ta nên thu hoạch đồng loạt các trái chính một lần để tránh tình trạng quả chín quá sẽ bị héo. Bảo quản ở nơi thoáng mát để sử dụng được lâu dài, đảm bảo chất lượng của trái.
Cách thu hoạch: Kiểm tra độ chín của quả, nhận thấy quả chín đều màu là có thể thu hoạch. Dùng kéo hoặc dao để cắt cuống trái. Đặt nhẹ trái vào giỏ tránh bị trầy xước hay rơi rớt.
Lưu ý: Chanh dây sẽ cho năng suất cao nhất trong khoảng 2 năm đầu. Nếu sau này muốn giữ được chất lượng quả thì cần cải tạo đất trồng hoặc xới đất trồng lại vụ mới.
Lời kết
Sau bài viết trên, hi vọng bạn đã nắm được cách chăm sóc chanh dây đúng cách cho cây phát triển khỏe mạnh. Được sống trong môi trường đầy đủ sẽ giúp cây lớn nhanh, cho năng suất cao và thu hoạch đúng vụ. Chúc bạn thành công!
Tham khảo thêm: Tìm hiểu chung về hạt giống chanh dây