Đất chua là loại đất khó trồng và cải tạo nhất, tại sao vậy nhỉ? Có thể thấy trên thực tế rất nhiều vùng đất chua bị bỏ quên vì không thể canh tác được. Bởi vì nồng độ axit trong đất quá cao, vi sinh vật chết, cây trồng cũng không thể tồn tại. Tại sao lại như vậy nhỉ? Hãy cùng Ban Công Xanh chúng mình tìm hiểu về đặc điểm của đất chua và nguyên nhân hình thành nhé!
Đặc điểm của đất chua là gì?
Độ chua của đất được đó với mức độ từ 1.0 cho đến 14.0. Và đối với đất thì độ pH dưới 7.0 được xem là đất có tính axit. Ngược lại từ 7.0 trở lên mang tính kiềm.
Hầu như các loại cây trồng đều có thể phát triển tốt ở độ pH từ 6.0 – 7.5. Lý do là vì ở khoảng pH này được xem là độ pH tối ưu cho cây trồng. Ở điều kiện này photpho trong đất trồng hoà tan (tan trong nước), vậy nên cây trồng sẽ hấp thụ dễ hơn.
Photpho là một trong 3 loại chất dinh dưỡng đa lượng mà giống cây nào cũng cần. Bạn có thể thấy được tỉ lệ 3 loại phân bón cần thiết là Nitơ, Phốt pho, Kali, trong đó P chiếm phần trung tâm. Photpho đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cây ra hoa, kết trái.
Tuy nhiên, khi đất có độ pH thấp hơn, quá trình thuỷ phân photpho cũng bị ngưng trệ, làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của cây trồng. Bên cạnh đó, vi sinh vật trong đất cũng không thể tồn tại để phân huỷ chất hữu cơ cho cây hấp thụ.
Nguyên nhân gây ra đất chua
Có 3 nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng đất chua. Đầu tiên phổ biến nhất là việc các chất hữu cơ và khoáng chất khi phân huỷ trong đất theo thời gian sẽ có tính axit tự nhiên. Lâu dài chúng sẽ kéo theo đất có tính axit. Tình trạng này phổ biến ở khu vực rừng thông và đầm lầy.
Nguyên nhân thứ 2 khiến đất trở nên chua là vì lượng mưa trung bình hoặc lượng nước tưới quá nhiều. Nếu quá nhiều nước sẽ dẫn đến các chất dinh dưỡng cần thiết sẽ bị rửa trôi. Quan trọng phải kể đến như Kali, Magie hay Canxi,…Đây là những nguyên tố ngăn tình trạng đất nhiễm chua. Vậy nên khi chúng bị rửa trôi thì độ pH của đất sẽ giảm đột ngột và nhễm chua.
Nguyên nhân thứ 3 là việc sử dụng phân bón tổng hợp có hàm lượng Nitơ cao. Các loại phân bón này thường sản sinh ra amoniac làm tăng độ chua của đất.
Phương pháp kiểm tra xem đất bạn có bị chua hay không?
1. Gửi mẫu đất đến văn phòng khuyến nông
Có một số phương pháp hữu dụng để kiểm tra độ chua của đất. Đầu tiên để có kết quả phân tích chính xác nhất, bạn có thể lấy mẫu đất và gửi đến văn phòng khuyến nông ở địa phương. Cách này bạn không chỉ biết được độ pH của đất hiện tại mà còn biết được mức độ dinh dưỡng (sự thiếu hụt dinh dưỡng) của đất.
2. Kiểm tra tại nhà bằng bộ kiểm tra độ pH
Cách thứ 2 là bạn có thể mua bộ kiểm tra độ pH tại nhà. Bạn có thể tìm mua sản phẩm này tại hầu hết các địa điểm bán vật dụng trồng. Thông thường một bộ có giá khoảng 350.000 đến 500.000 đồng, khá dễ sử dụng và dùng được lâu dài.
3. Sử dụng giấy quỳ tím
Có lẽ giấy quỳ tím không còn quá xa lạ vì căn bản chúng ta đã được tiếp xúc với loại giấy này khi học môn Hoá. Bạn lấy một mẫu đất, trộn đất với nước và nhúng giấy quỳ vào. So màu giấy quỳ đã chuyển sau khi ngâm với bảng đo độ pH đi kèm. Cách này vừa nhanh gọn, đơn giản, chi phí lại rẻ nữa chứ!
4. Quan sát tình trạng đất trồng
Đất chua là điều kiện thuận lợi để cỏ dại phát triển mạnh. Vậy nên nếu cỏ dại phát triển quá mạnh trong đất, có thể đất của bạn đang có dấu hiệu nhiễm chua rồi đấy! Một số loại cỏ dại phát triển tốt trên đất chua bao gồm:
- Bồ Công Anh
- Cây me chua
- Cỏ đuôi ngựa
- Cỏ gà
- Cỏ bến tàu
Đất nhiễm chua có phải luôn là dấu hiệu xấu?
Nhiều người cảm thấy lo lắng vì đất nhiễm chua. Sợ rằng cây trồng sẽ không đạt được năng suất cao, chi phí cải tạo quá nhiều. Tuy nhiên. đất chua không có nghĩa là không thể canh tác. Mà thay vào đó, có một số loại cây nhất định đặc biệt yêu thích đất chua:
- Cây việt quất
- Cây dâu tây
- Cây đỗ quyên
- Cây dứa (cây khóm)
- Cây táo
Còn nếu bạn có nhu cầu muốn trồng loại rau, cây khác trong nhà thì sao nhỉ? Câu trả lời là bạn có thể sử dụng một số biện pháp canh tác hiệu quả. Bạn có thể sử dụng vôi để bón cho đất trước khi trồng cây. Tập trung bón phân hữu cơ thay vì phân vô cơ. Bón phân có hàm lượng photpho cao, hạn chế Nitơ. Điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể nồng độ pH ở đất trồng của bạn. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết về đặc điểm của đất chua. Chúc bạn thành công!
Tìm hiểu thêm: Cải tạo đất chua từ A tới Z