Trồng rau trên sân thượng hay trồng rau trên ban công là những cụm từ được tìm kiếm rộng rãi nhất hiện nay. Các loại rau, củ được trồng trên sân thượng không chỉ an toàn, có hương vị ngon mà lại vô cùng giàu dinh dưỡng, tạo nên những bữa ăn ngon cho gia đình. Và một trong những loại quả dễ trồng, dinh dưỡng nhất hiện nay chính là mướp đắng, khổ qua. Chỉ cần một góc sân thượng hay ban công nhỏ là bạn có thể trồng được loại quả này. Sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách trồng mướp đắng trên sân thượng chi tiết và dễ làm, cùng tham khảo nhé!
Lợi ích của mướp đắng/khổ qua
Mướp đắng hay còn được gọi là khổ qua, thuộc họ bầu bí và là món ăn quen thuộc trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Loại quả này không chỉ là một món ăn bổ dưỡng mà còn là một vị thuốc quý. Trong Đông Y, mướp đắng có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc. Ăn khổ qua giúp làm sáng mắt, mát tim, nhuận tràng, hạt bổ thận tráng dương… Mướp đắng thường được chế biến thành các món ăn như mướp đắng nhồi thịt, xào trứng… Bên cạnh đó khổ qua còn có thể phơi khô làm trà uống rất bổ, thường sử dụng khổ qua rừng làm trà.
Những món ăn từ mướp đắng rất tốt cho những người bị tiểu đường type 2, sỏi thận, ung thư tuỵ… Bên cạnh đó, khổ qua còn là ‘khắc tinh’ của các tế bào ung thư gan, đại tràng, ung thư vú và tiền liệt tuyến. Ăn khổ qua còn giúp bổ gan, thanh nhiệt, tăng cường miễn dịch và làm đẹp da. Loại quả này còn giúp làm giảm cholesterol trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Tuy có hương vị đắng mà không phải ai cũng ăn được. Nhưng người ta có câu “thuốc đắng dã tật”, và ăn khổ qua cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khoẻ.
Cách trồng mướp đắng trên sân thượng
Cách trồng mướp đắng trên sân thượng thực ra không hề khó. Chỉ một góc nhỏ trên sân thượng là bạn có thể sở hữu cho mình một khu vườn như mơ. Bạn nên trồng khổ qua vào tháng 7, 8 có thời tiết mưa nhiều kèm nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho khổ qua phát triển. Có nhiều loại hạt giống mướp đắng phổ biến như TH-12, khổ qua xiêm, các giống lai F1 như giống Chiatai, 054 và 185, East-west 241, 242, 277; TS-01… mà bạn có thể mua ở các cửa hàng cây giống. Ngoài ra nên trồng khổ qua trên đất tơi xốp, thoáng khí hoặc đất pha cát.
Chuẩn bị hạt giống trồng mướp đắng trên sân thượng
Ngoài việc mua hạt giống ở các cửa hàng thì bạn có thể lấy hạt tại các quả mướp đắng già. Hãy chọn những quả mướp to, không sâu bệnh để lấy hạt. Sau đó rửa sạch, lọc bỏ những hạt xấu, lép và có thể bảo quản ở nơi thoáng mát. Trước khi gieo trồng nên ngâm hạt vào nước ấm 2 sôi:3 lạnh. Đây là bước không thể thiếu trước khi gieo hạt giống vì điều này sẽ giúp cây nảy mầm nhanh, phát triển thuận lợi. Sau khi ngâm hạt xong thì ủ hạt trong khăn ấm 1 đêm cho đến khi hạt nứt ra là được.
Gieo hạt
Nên gieo hạt trên đất tơi xốp, giàu hữu cơ, đặc biệt là đất thịt pha cát giàu dinh dưỡng. Đất nên có độ kiềm nhẹ, ph từ 6 – 7,1. Để cây phát triển thuận lợi nên bón lót vôi hoặc phân hữu cơ. Khi gieo, đặt hạt theo hướng cho đầu nhọn đã nứt nanh xuống dưới, phủ lên trên một lớp đất mỏng. Sau đó tưới nước để tạo độ ẩm cho cây nảy mầm tốt. Khoảng 5 – 10 ngày hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm.
Chăm sóc cây mướp đắng trên sân thượng
Đầu tiên phải kể đến yếu tố nước, nên tưới 2 lần mỗi ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây. Đặc biệt trong giai đoạn ra hoa đậu quả nên tưới nhiều nước, không nên tưới trực tiếp lên hoa. Trong giai đoạn này cũng cần bón thúc cho cây cứ 7 ngày bón thúc 5kg DAP + 20kg ure. Nếu cây phát triển kém bón thêm phân bón lá vi sinh. Khi cây cao 25 đến 30cm, bắt đầu ra từ 5 đến 6 lá thật và đã bắt đầu xuất hiện tua cuốn, ta đem trồng cây ra chậu lớn hơn hoặc trồng ra hẳn đất vườn rồi làm giàn cho chúng.
Lúc này ta nên làm giàn bằng tre hoặc lưới, cách làm giàn rất dễ: Làm giàn đứng bằng các cọc tầm vông cắm đối nhau, khoảng cách giữa hai cọc là 3m, giàn được giăng bằng lưới nilon hoặc chà tre cao khoảng 2 – 2,5m. Cây mướp đắng cho leo càng cao thì càng nhiều trái. Do đó nên đầu tư lưới thưa bằng dây gân phủ hết cả giàn trên và giàn ngang để tạo điều kiện cho cây leo lên cao.
Trồng mướp đắng nên chú ý các bệnh như sâu đục trái, rệp, nấm… Khi cây mắc sâu bệnh thì không nên sử dụng thuốc trừ sâu hoá học mà nên tự chế thuốc trừ sâu sinh học bằng tỏi, gừng… Bên cạnh đó hãy bón phân đều đặn và cắt tỉa thường xuyên để tạo độ thông thoáng cho cây nữa nhé.
Thu hoạch
Sau khoảng 1,5 – 2 tháng là mướp đắng đã cho trái và ta có thể thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng.
Mướp đắng tuy có hương vị trái đắng nhất trong các loại trái nhưng lại khiến nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó khổ qua còn là vị thuốc quý, chữa được nhiều bệnh và bổ dưỡng cho sức khoẻ. Khổ qua có tác dụng thanh nhiệt giải độc rất tốt chính vì vậy hãy trồng loại cây này trên sân thượng cho gia đình nhé!
Xem thêm: