Đất là môi trường quan trọng của cây nhằm cung cấp dinh dưỡng, oxy và nước để cây phát triển một cách toàn diện. Và đất khoẻ thì cây mới khoẻ được, đất trồng cây phải đảm bảo tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không bị biến chất và đảm bảo được độ ẩm. Việc bảo vệ và cải thiện sức khoẻ của đất chính là tăng khả năng duy trì năng suất, giúp cây phát triển. Nếu đất chẳng may bị bạc màu, suy kiệt dinh dưỡng thì chẳng bao lâu cây sẽ bị còi cọc, vi sinh vật có hại tấn công, mang nhiều mầm bệnh. Do đó, bài viết này sẽ chỉ ra “Nguyên nhân và cách cải tạo đất bạc màu”. Cùng Ban Công Xanh tìm hiểu nhé!
Đất bạc màu là gì?
Đất có tầm quan trọng rất lớn đối với cây trồng, chỉ khi đất khoẻ thì cây mới tươi tốt được. Nhưng ngày nay do thực trạng đốt rừng làm rẫy, độc canh, lạm dụng thuốc trừ sâu,…khiến đất đai dần bạc màu, thoái hoá. Đất bạc màu là đất có thành phần cơ giới nhẹ, kết cấu kém hoặc không có kết cấu, chặt bí, khô hạn và cạn kiệt chất dinh dưỡng. Có nhiều lý do khiến đất trở nên bạc màu, phần lớn là do tác động của con người. Cùng tìm hiểu nguyên nhân ngay dưới đây:
Nguyên nhân và cách cải tạo đất bạc màu
Nguyên nhân đất bạc màu
Trồng độc canh
Độc canh là hình thức canh tác nông nghiệp chỉ trồng một hoặc một số ít loại cây trồng đem lại giá trị. Đây là phương pháp trồng trọt gây ra nhiều tranh cãi đem đến hậu quả khôn lường cho sức khoẻ đất.
Trồng độc canh có tác động tiêu cực đến sự phục hồi của hệ sinh thái, trong đó dẫn đến việc đất bị bạc màu và thoái hoá. Hiện tượng bạc màu chúng ta có thể thấy rõ hơn ở những vùng chuyên câu công nghiệp như vùng trồng cà phê, cao su, tiêu,…
Bởi vì mọi người không thay đổi cây trồng nên cấu trúc đất không có cơ hội được cay xới và cải tạo thường xuyên nên đất dần chai sạn, mất dinh dưỡng, thay đổi cơ cấu đất.
Lạm dụng phân bón hoá học
Giai đoạn những năm 1990 thì phân bón hoá học được sử dụng nhiều vì kích thích cây trồng phát triển nhanh, tăng năng suất cây trồng. Từ đó, phân hoá học từng bước trở thành người bạn của nhà nông. Tuy nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó, theo thời gian phân hoá học ngấm trong đất gây nên các hệ luỵ như suy thoái đất, ô nhiễm đất,… Một khi các chất hoá học đã ngấm vào sẽ tác động tiêu cực đến đất như lượng acid tăng làm đất chua và bạc màu, tiêu diệt lượng vi sinh vật có lợi trong đất, đất mất dần sự tơi xốp, màu mỡ.
Sử dụng phân hữu cơ không đúng cách
Hiện nay khi việc sử dụng phân hoá học ngày càng bị lên án thì phân hữu cơ được ưa chuộng nhiều, trở thành phân bón quốc dân của nhà nông. Phân hữu cơ an toàn mà lại hiệu quả, có thể bón nhiều mà không sợ tích tụ chất độc hại trong đất. Tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng loại phân này thì cũng dễ dàng khiến đất bị thoái hoá, mất cân bằng dinh dưỡng. Điển hình là nhiều nhà nông sử dụng các loại phân bón chưa qua xử lý chứa nhiều Nitrat (phân cá tự ủ). Khi bón loại phân này vào đất sẽ phá vỡ kết cấu đất, làm đất chai cứng, thoái hoá.
Đốt rừng làm nương rẫy
Nguyên nhân này xảy ra nhiều nhất ở các vùng sâu vùng xa, người ta thường đốt rừng để lấy đất canh tác, trồng trọt mà không biết rằng điều này dẫn đến nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Rừng mất kéo theo sự bảo hộ cũng mất khi mùa mưa về, nước mưa làm đất bị rửa trôi khiến đất ngày càng nghèo kiệt dinh dưỡng, kết cấu đất thay đổi dẫn đến thoái hoá, bạc màu.
Đất bị nhiễm kim loại nặng
Kim loại nặng là những kim loại có khối lượng riêng trên 5 g/cm3. Các kim loại này có số nguyên tử cao và thường sẽ thể hiện tính kim loại tại nhiệt độ phòng. Kim loại nặng nhất chứa lượng yếu tố nhiễm bẩn tương đối cao, dao động trong khoảng 3.5 đến 7 g/cm3 và rất độc hoặc độc ở nồng độ thấp. Kim loại nặng được sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phần lớn được tạo ra trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Các kim loại này có mặt ở khắp mọi nơi, trong nước, đất và không khí. Và đất bị nhiễm kim loại nặng chủ yếu bắt nguồn từ rác thải sinh hoạt của con người.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật
Thuốc bảo vệ thực vật gồm có thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hỗ trợ bà con trong việc trồng trọt rất nhiều. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trừ sâu đang ngày càng bị lạm dụng và mang đến nhiều tác hại khôn lường. Việc sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, diệt cỏ gây tàn phá đất đai và sức khoẻ con người rất trầm trọng. Cũng giống như khi sử dụng phân hoá học, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều cũng gây tồn đọng các chất độc hại trong đất gây suy thoái, bạc màu.
Cách cải tạo đất bạc màu
1. Cày xới đất
Đây là biện pháp cải tạo đất đơn giản và tốn ít kinh phí nhất nhưng lại hiệu quả vô cùng. Trong quá trình làm cỏ cho đất nên kết hợp xới xáo, tưới nước và bón phân để cải tạo đất. Hoặc sau một mùa thu hoạch cần làm mới đất, cày xới và bổ sung dinh dưỡng cho đất trồng. Tránh xới đất vào thời điểm đất khô, chai cứng vì dễ làm đất mất nước. Bên cạnh đó để tránh đất bạc màu thì trồng lúa không nên xếp ải, trồng hoa màu cần lên luống cao.
2. Che phủ đất
Đất bình thường không được che phủ sẽ bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp, mưa gió tác động gây mất dinh dưỡng, khô cằn. Đặc biệt, khi trời mưa còn có hiện tượng rửa trôi đất. Chính vì vậy trong quá trình trồng trọt thì việc che phủ đất rất quan trọng, góp phần hạn chế tình trạng đất bị thoái hoá bạc màu. Che phủ đất ngoài cải tạo đất còn giúp tăng khả năng giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, giúp đất được tơi xốp và rễ phát triển tốt hơn. Có nhiều vật liệu che phủ đất mà bạn có thẻ sử dụng là vật liệu hữu cơ (cỏ khô, cành lá khô, xơ dừa,…) hoặc che phủ bằng thảm thực vật (cây đậu đen, cỏ xuyến chi, lạc dại,…)
3. Biện pháp thuỷ lợi
Thuỷ lợi là phương pháp xây dựng hệ thống tưới hoàn chỉnh giúp đất màu mỡ, giữ nước và tạo độ tơi xốp. Từ đó, tạo môi trường tốt nhất cho cây trồng phát triển. Đây là phương pháp cần đặt lên hàng đầu trong giai đoạn cải tạo đất bạc màu hoặc cải tạo đất mặn.
4. Bón vôi
Bón vôi là biện pháp được nhiều người biết đến để xử lý đất trước khi trồng. Việc bón vôi giúp tăng độ mùn, cân bằng pH, giảm độ chua, tiêu diệt vi khuẩn và nấm bệnh trong đất. Không chỉ vậy, bón vôi cũng là phương pháp hàng đầu giúp cải tạo đất bạc màu. Ngoài ra, vội còn có tác dụng giảm độc tố các nguyên tố Al, Fe và Mn có trong đất tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó bón vôi còn giúp đẩy nhanh quá trình phân giải các chất hữu cơ trong đất giúp tăng cường dinh dưỡng trong đất. Hiện nay các loại vôi phổ biến được dùng cho cây trồng đó là: vôi tôi, bột đá vôi và vôi dolomite.
Để cải tạo đất bằng vôi hiệu quả hơn ta nên tìm hiểu kĩ, bón vôi sao cho phù hợp với từng loại đất và đúng liều lượng. Với đất có độ chua nhiều thì cần bón nhiều hơn so với đất ít chua. Với đất sét cần bón nhiều hơn so với đất cát. Bón vôi đúng thời điểm cũng là chìa khoá vàng để cải tạo đất thành công. Với vườn cây chưa thu hoạch thì bạn có thể bón bất kì thời điểm nào cũng được. Với cây ăn quả nên bón sau khi thu hoạch, vùng có mưa thường xuyên nên bón sau khi mưa để đạt hiệu quả cao,…
5. Bổ sung phân bón hữu cơ
Phân hữu cơ là người bạn thân thiết của nhà nông, chúng vừa có giá thành rẻ lại đa năng trong việc trồng trọt. Đặc biệt phân hữu cơ cũng góp phần cải tạo đất bạc màu thành công. Nguồn hữu cơ giúp đất tơi xốp, màu mỡ và bổ sung thêm các sinh vật có lợi. Bạn có thể lựa chọn phân bò ủ hoai, phân ủ từ rác nhà bếp,… Đặc biệt nên sử dụng phân trùn quế để cải tạo đất. Điểm nổi bật của phân trùn quế là có chứa “tập đoàn” trùn con hoạt động tốt trong đất, từ đó giúp đất thoáng khí, kết dính tốt hơn, biệt đội trùn con đích thị là những công dân cày xới tốt nhất cho đất.
6. Sử dụng các chế phẩm sinh học
Hiện nay, các chế phẩm sinh học được đưa vào sử dụng mạnh mẽ nhằm đảm bảo sức khoẻ đất, cải tạo đất. Chế phẩm sinh học gồm các vi sinh vật cải tạo, vi sinh vật phân huỷ chất hữu cơ giúp cải thiện kết cấu đất. Gợi ý mọi người nên bổ sung nấm đối kháng Trichoderma giúp cải thiện kết cấu đất, kích thích hệ rễ cây trồng phát triển, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, từ đó cho năng suất và chất lượng cao hơn.
Lời kết
Đất là ngôi nhà của cây trồng, là ngôi nhà của chúng ta cần chung tay bảo vệ dù chỉ là một tấc. Nếu đất suy thoái, bạc màu thì làm sao đạt năng suất cao, giúp cây trồng lớn nhanh và khoẻ mạnh? Chính vì vậy không nên lạm dụng phân hoá học, không trồng độc canh, lên án hành vi đốt rừng để không còn tình trạng đất xám bạc màu, nghèo dinh dưỡng.
Xem thêm: