Việc thay chậu cho lan theo chu kỳ là tối cần thiết để duy trì sự phát triển của lan. Nếu được chăm sóc đúng cách, Lan của bạn sẽ có những đợt nở hoa thật đẹp Tuy nhiên, việc thay chậu đòi hỏi người trồng sự tỉ mỉ và một chút kinh nghiệm để không làm tổn thương cây. Bài viết này sẽ chia sẻ những kiến thức quan trọng để thay chậu cho lan!
Xem thêm:
Thay giá thể cho hoa lan – Chọn thời điểm phù hợp để lan phát triển tối ưu
Các bước thay chậu cho hoa lan giai đoạn 1: Chọn chậu mới
Khi thay chậu cho lan, bạn cần chậu to hơn chậu cũ chỉ khoảng 2,5 cm, có độ sâu đủ để chứa lại toàn bộ rễ lan. Cây cần không gian lớn hơn, nhưng không nên quá rộng. Một chậu quá to có thể khiến giá thể trở nên giữ ẩm hơn cần thiết. Hoặc thậm chí cây lan sẽ tập trung vào phát triển rễ và không ra hoa trong nhiều tháng sau. Bạn có thể dùng chậu nhựa, chậu đất sét hoặc gốm phù hợp với kích thước của cây lan nhưng cần đảm bảo các tiêu chí
- Đảm bảo chậu mới phải có lỗ thoát nước. Nếu chậu không thoát nước tốt, cây lan sẽ bị thối rữa.
- Một số loài lan có bộ rễ có khả năng quang hợp. Vì thế, nên cân nhắc dùng chậu thủy tinh hoặc chậu nhựa trong để ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua.
- Nếu chậu rộng và sâu, lót thêm một lớp hạt đất nung hoặc xốp đậu phộng cỡ to để tăng độ thoát nước. Với chậu nông thì bước này không bắt buộc.
- Nếu dùng chậu đã từng trồng cây trước đó, cần rửa sạch bằng nước sôi để khử khuẩn và tiêu diệt các mầm bệnh tiềm tàng.
Giai đoạn 2: Chuẩn bị giá thể mới
Khi giá thể lan đã cũ và cạn kiệt nguồn dinh dưỡng, việc thay chậu cho hoa lan tạo một môi trường mới tạo điều kiện để lan tiếp tục phát triển. Bạn có thể tự chuẩn bị giá thể theo công thức của riêng mình hoặc tham khảo công thức cơ bản sau đây:
4 phần giá thể tạo độ ẩm vỏ cây khô, xơ dừa cục cắt nhỏ,…
1 phần than củi
1 phần chất trơ như đá perlite hoặc viên đất nung
Việc lựa chọn kích cỡ các giá thể phụ thuộc vào kích thước rễ cây của bạn. Rễ lan càng nhỏ, bạn chọn loại có kích cỡ càng nhỏ và ngược lại. Nếu tự trộn giá thế, bạn cần đảm bảo các nguyên liệu được xử lý kỹ. Nếu không, cây Lan có thể gặp nhiều vấn đề như nhiễm acid, nhiễm các tuyến trùng gây hại về sau.
Mẹo: bạn có thể chọn các giá thể trồng lan trộn sẵn để thay cho cây. Các giá thể trộn sẵn cung cấp một giải pháp an toàn cho cây lan của bạn bởi các thành phần và dinh dưỡng đã được cân đo phù hợp.
Khi đã chọn được giá thể phù hợp, ngâm giá thể với nước qua một đêm. Quá trình này đảm bảo các thành phần đều được ngấm no nước và cung cấp đủ ẩm cho Lan. Trước khi sử dụng, xả lại một lần nữa bằng nước sạch để loại bỏ bụi đất
Giai đoạn 3: loại bỏ giá thể cũ khỏi cây
Cẩn thận nhấc cây lan ra khỏi chậu. Rễ có thể dính và kẹt lại trong chậu. Trước tiên hãy thử “vỗ vỗ” chậu để giảm độ chặt của giá thể cũ. Nếu rễ cây còn kẹt trong chậu, bạn hãy dùng kéo hoặc dao đã khử trùng để cắt. Điều quan trọng là dụng cụ phải được khử trùng thật sạch. Sau đó, nhẹ nhàng lật úp chậu và cây lại, tiếp tục vỗ vào đáy chậu để không khí len vào các khe hở
Mẹo: Rễ cây trồng lâu trong thường có xu hướng xoay vòng và quện chặt ôm lấy giá thể. Điều đó khiến bạn khó thao tác khi cần thay giá thể cho cây. Đặc biệt, rễ Lan rất dễ bị tổn thương bởi các tác động từ bên ngoài. Bạn cần rất nhẹ nhàng trong bước này để tránh làm đứt rễ, dập rễ lan. Dụng cụ cắt cũng cần được khử trùng bằng nước sôi hoặc cồn để tránh gây nhiễm trùng cho các vết cắt
Nếu rễ cứng và khô, hãy ngâm nó trong nước vài phút để làm mềm các mô. Cẩn thận: rễ khô có thể gãy!
Loại bỏ giá thể cũ và rễ đã chết. Dùng tay và kéo sạch để cắt tỉa rễ. Bỏ hết giá thể cũ – than củi, vỏ bào, rêu và những thứ tương tự. Dùng kéo cắt hết các rễ bị mềm và rũ, thối rữa, cẩn thận kẻo làm hỏng các phần khỏe mạnh của cây.
Giai đoạn 4: Thay chậu cho hoa lan – trồng giá thể mới và cây vào chậu mới
Để bắt đầu, bạn thử đặt cây vào chậu mới. Sau đó, uớc lượng vị trí của rễ trong chậu. Đảm bảo tất cả phần rễ đều có không gian, không bị đè nén.
Bắt đầu nhẹ nhàng rải hỗn hợp giá thể xung quanh chậu. Lắc chậu và vỗ nhẹ vào thành chậu để giá thể lấp đầy các khoảng trống trong chậu. Sau đó tiếp tục vừa rải, vừa vỗ nhẹ đến khi lắp đầy chậu. Dùng tay ấn nhẹ để đảm bảo các không còn khoảng hở trong chậu. Rễ lan có xu hướng mọc bám và móc vào giá thể như một điểm tựa. Các khoảng trống lớn có thể khiến rễ kém phát triển
Mẹo: trong môi trường mới, rễ lan có thể đứng chưa vững. Có thể cắm cọc để chống cho cây không bị ngã đổ hoặc mọc xiêu vẹo.
Giai đoạn 5: Chăm sóc và quan sát biểu hiện của Lan sau khi thay giá thể
Sau khi thực hiện đầy đủ các bước trên, bạn chưa cần phải tưới nước ngay cho lan. Chờ khoảng một vài ngày để rễ lan thích nghi với môi trường mới và hồi phục các vết cắt. Trong thời gian này, nên đặt Lan ở chỗ mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
Sau đó, tiếp tục chăm sóc cho cây như bình thường. Để ý tốc độ khô của giá thể mới để điều chỉnh chu kỳ và lượng nước tưới phù hợp. Bổ sung định kỳ dinh dưỡng, phân bón cho Lan sau 6 tháng kể từ khi thay giá thể.