Bí quyết chăm cây, Cây hoa hồng

Tuyệt chiêu trồng hoa hồng cổ đẹp rực rỡ

Hoa hồng cổ cách trồng và chăm sóc

Tôi rất ngưỡng mộ những người chơi hoa bởi họ rất kiên nhẫn, tỉ mỉ chăm sóc những bông hoa như đứa con tinh thần của mình. Trong thế giới loài hoa có hàng triệu loại hoa khoe sắc và giàu ý nghĩa, và loại hoa được mệnh danh “nữ hoàng của các loài hoa” chính là hoa hồng với vẻ đẹp kiêu sa, quyến rũ. Hoa hồng rất hợp với chị em vì ở chúng có sự quý phái, tinh tế của một quý cô. Do đó chị em phụ nữ ngày nay cũng học cách chơi hoa, thưởng hoa và thường tìm đến hoa hồng, đặc biệt là hoa hồng cổ để trồng. Hôm nay Ban Công Xanh sẽ chia sẻ cho quý vị cách trồng và chăm sóc hoa hồng cổ từ A — Z dễ hiểu dễ làm cho người mới tập chơi. Cùng theo dõi nhé!

Hoa hồng cổ — Loài hoa mang nét đẹp truyền thống, cổ xưa

Hoa hồng cổ

Thú chơi hoa hồng đã xuất hiện từ rất lâu bởi vẻ đẹp đặc trưng và đặc tính dễ chăm. Ngày nay người ta thường nhập hoa hồng nước ngoài về chăm gọi là hoa hồng ngoại. Thế nhưng hoa hồng cổ với vẻ đẹp truyền thống, có hương thơm quyến rũ cũng được ưa chuộng không kém gì hoa hồng ngoại. Hoa hồng cổ được chia thành 2 loại là hoa bản địa và hoa được du nhập từ Anh, Pháp từ xa xưa. Loại hoa hồng này mang nét đẹp cổ điển, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nước ta, vì vậy rất phù hợp với người mới tập chăm cây.

Người ta thích chơi hồng cổ không chỉ vì đẹp, mà loài hoa này còn dễ chăm và có sức sống mãnh liệt. Loài này thích nghi tốt trong điều kiện khí hậu có phần khắc nghiệt nước ta, đặc biệt là miền Bắc với mùa hè nóng và đông rét. Không chỉ thế, hồng cổ còn có khả năng thích nghi lâu dài, nhiều cây có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm mà không hề bị thoái hóa.

Hoa hồng cổ với vẻ đẹp đằm thắm, dung dị nhưng cũng không kém phần tinh tế, quyến rũ so với hoa hồng ngoại. Hoa có sức hút mạnh mẽ đối với những người chơi hoa giỏi. Nhiều người không ngại bỏ ra số tiền lớn để sở hữu những chậu hồng cổ lâu đời giá bạc triệu, bạc tỷ.

Đặc điểm của hồng cổ Việt Nam

Trước tiên cần nắm đặc điểm và môi trường của loài hoa này để có cách chăm sóc hợp lý. Nhất là những người mới tập chăm hoa cần biết về đặc điểm giống hoa mình trồng để chăm cây không bị chết, bền lâu. Với hoa hồng cổ Việt Nam thì đều có đặc điểm chung như sau:

  • Có nhiều giống cây đa dạng như cây leo, bán leo, hồng bụi, bông đơn, bông chùm… Đặc biệt dáng cây rất đẹp và tỏa hương thơm quyến rũ
  • Hoa nở liên tục và lá cây xanh quanh năm. Cây khỏe mạnh, phát triển nhanh dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt
    Cây kháng bệnh tốt, sức sống mãnh liệt và sai hoa
  • Phát triển tốt ở môi trường đất thịt, giàu mùn hữu cơ, đất thoát nước tốt. Ngoài ra cây còn ưa nắng và gió nhiều nên thích hợp trồng vườn hoặc trồng cây leo trước cổng nhà
  • Có thể trồng chậu, trồng bồn hoặc trồng vườn

Nhìn chung thì các giống hồng cổ khá dễ chăm và có vẻ đẹp thuần khiết, thanh tao không kém gì các giống hồng mới. Có nhiều loại hồng cổ được trồng phổ biến như hoa hồng đào cổ, hồng cổ Sapa, hồng cổ Đà Lạt, hồng leo tầm xuân, hồng Son Môi… Mỗi loại lại mang trong mình vẻ đẹp riêng biệt và những đặc tính khác nhau. Ví dụ như hồng cổ Sapa với vẻ đẹp mỏng manh, kiều diễm. Còn hồng Hải Phòng cổ thì khoác lên chiếc áo màu ánh tuyết nhung không phải loại nào cũng có. Vì vậy mọi người cần tìm hiểu kĩ càng đặc điểm của giống hồng mình trồng để có cách chăm sóc phù hợp nhất nhé.

Cách trồng hoa hồng cổ

Hoa hồng cổ - cách trồng

Giống hoa này có tính bản địa cao nên dễ trồng, phù hợp với mọi khí hậu Việt Nam. Yếu tố quan trọng để trồng hoa hồng thành công đó là vị trí, nên chọn địa điểm có nhiều ánh sáng để trồng hoa hồng. Tốt nhất nên chọn những nơi có ánh sáng tối thiếu 6 — 8 giờ/ngày để tạo điều kiện cho hoa hồng phát triển tốt nhất.

Sau khi chọn vị trí tốt thì chậu trồng cũng cần được quan tâm khi trồng cây. Hoa hồng ưa ẩm nhưng không thích bị úng nước. Do vậy cần chọn chậu có nhiều lỗ thoát nước, tùy sở thích mà mọi người chọn chậu có kiểu dáng cầu kỳ hoặc đơn giản.

Thêm một yếu tố quan trọng không kém nữa đó là đất trồng. Đất là môi trường sống của cây, vì vậy cần phải đáp ứng được những nhu cầu của cây. Hoa hồng ưa đất ẩm, thông thoáng và tơi xốp. Đất trồng hoa hồng nên sử dụng đất thịt pha nhẹ, đất pha cát. Để cây phát triển tốt hơn nên phối trộn thêm các giá thể như trấu và phân hữu cơ… Công thức đất trồng hoa hồng mà mọi người có thể tham khảo là 50% đất thịt, 30% trấu sống, 5% vôi, 15% trấu chín.

Ngoài vị trí, chậu và đất thì cây giống cũng là điều kiện để quyết định cây phát triển tốt hay không. Nên chọn mua giống cây khỏe mạnh, ít sâu bệnh và mua ở cửa hàng uy tín. Để trồng hoa hồng, mọi người chỉ cần cắm cây vào đất đã chuẩn bị. Kế đến hãy ép đất cố định cho cây đứng vững. Sau đó tưới đẫm nước cho cây để tạo độ ẩm. Để cây nhanh lớn, phát triển tốt thì phải biết cách chăm sóc hợp lý sau đây.

Chăm sóc hoa hồng như thế nào cho hợp lý?

Hoa hồng cổ - cách chăm

  • Tưới nước: Hoa hồng đòi hỏi nhu cầu nước khá cao. Phải tưới nước cho cây mỗi ngày 2 lần sáng, chiều. Nước tưới cho hoa phải là nước sạch, nước ngọt và không nhiễm phèn, nhiễm mặn.
  • Tưới nước đúng cách là sử dụng bình nước có vòi sen để dễ dàng điều chỉnh lượng nước. Ngoài ra nên quan sát tình hình của đất để tưới nước phù hợp. Nếu đất ẩm thì không nên tưới vội, đặc biệt khi đất xuất hiện rêu là dấu hiệu thừa nước. Còn đất khô thì đang thiếu nước và cần bổ sung nước ngay.
  • Bón phân: Sau 1 tuần trồng thì tiến hành bón phân cho cây để kích thích ra rễ. Sau nửa tháng bón thúc cho cây bằng phân đạm hoặc kali loãng.
  • Tạo dáng, tỉa cành: Nếu muốn tạo dáng cho cây thì khi cây cao 25cm nên tiến hành bấm ngọn. Và trong quá trình chăm sóc nên thường xuyên cắt tỉa cành để thúc đẩy cây phát triển, ra hoa. Tỉa bỏ những lá già yếu, sâu bệnh để giảm sâu bệnh hại cho cây.
  • Phòng ngừa bệnh: Hoa hồng thường mắc các bệnh như phấn trắng, đốm đen, nấm… Vì vậy cần phòng ngừa sâu bệnh cho cây để tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi. Nên tưới nước, bón phân đầy đủ. Đồng thời thường xuyên tỉa cành lá để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng chống lại sâu bệnh. Nếu cây có dấu hiệu bất thường thì phải nhanh chóng xử lý ngay. Cây bị bệnh xoăn lá có thể chữa trị bằng Lefen Etra, Neretox, Nano thảo mộc… Còn bệnh nhện thì sử dụng Detech, Usatobon… rất hiệu quả.

Kết luận

Cách trồng và chăm sóc hoa hồng cổ chỉ thực sự đơn giản nếu bạn có đam mê thực sự, coi những bông hoa như là bạn là đứa con tinh thần của mình. Chăm sóc hoa hồng không chỉ cần kỹ thuật mà còn cần gửi gắm tình cảm nữa. Quá trình đưa giống hoa hồng từ nơi khác về chăm, thuần dưỡng chúng cũng rất công phu và là cả quá trình dài. Thế nhưng nhiều người không ngại bỏ thời gian, công sức để trồng hoa hồng cổ. Vì trồng hoa hồng cổ không chỉ để chơi cây cảnh bình thường mà còn là sự khôi phục những giá trị cổ xưa, bảo tồn truyền thống và vẻ đẹp của cha ông ta ngày xưa.

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *