Khi nghĩ đến hoa hồng, bạn có thể nghĩ đến một khu vườn đầy những bông hoa mượt mà phủ đầy sương, trông giống bức ảnh thường thấy trên tạp chí. Tuy nhiên, điều đó có thể nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng khi vườn hồng của bạn không phát triển tốt được như vậy. Nhưng chỉ với một vài chỉnh sửa trong quá trình trồng và bảo dưỡng, bạn hoàn toàn có thể có những bông hoa hồng đẹp như tranh vẽ. Theo dõi bài viết dưới đây để biết 5 sai lầm phổ biến khi trồng hoa hồng cũng như cách chỉnh sửa!
Sai lầm thứ nhất khi trồng hoa hồng: chọn sai vị trí.
Chọn vị trí sai về kích thước
Có rất nhiều giống hoa hồng với đủ loại kích cỡ khi chúng trưởng thành. Vì thế, bạn cần đọc kỹ thông tin về mức độ phát triển của giống hồng đó để có thể xác định vị trí phù hợp. Để ra hoa khỏe, cây cần không gian thoáng đãng và có sự lưu thông khí tốt. Việc trồng một cây hồng quá to trong không gian quá hẹp có thể khiến bạn phải cắt tỉa thường xuyên. Và điều đó không hề tốt cho cây.
Chọn vị trí không đủ ánh sáng
Hoa hồng cần được chiếu sáng ít nhất 6 giờ mỗi ngày để tích lũy năng lượng nuôi cây. Thiếu ánh sáng có thể khiến cây rụng lá, ra hoa kém, còi cọc, chậm lớn.
Sai lầm thứ hai khi trồng hoa hồng: bỏ qua sửa đổi, cải tạo đất
Nhiều người thường chủ quan về độ dinh dưỡng của đất sau khi đã sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có vị trí trồng tốt, đất trồng vẫn đóng vai trò tối quan trọng trong sự phát triển của cây.
Một số loại đất có thể “quá nặng” như đất sét hoặc “quá trơ” như đất cát. Tất cả đều có thể khiến cây chịu đựng môi trường quá ẩm ướt hoặc quá khô. Hãy bổ sung thành phần làm tơi xốp đất như đá perlite, vỏ lạc, tro trấu cho đất thịt. Bổ sung phân ủ hữu cơ, mụn xơ dừa, hoặc peat moss nếu đất trồng của bạn quá nhẹ.
Thêm vào đó, cần kiểm tra độ pH trước khi trồng, đảm bảo đất chỉ dao động ở mức 6.5. Đây cũng là yếu tố nhiều người thường bỏ qua nhất khi trồng hoa hồng.
Xem thêm:
5 yếu tố quan trọng của đất trồng hoa hồng
Tự tay trộn giá thể cho cây Hoa Hồng
Sai lầm thứ ba khi trồng hoa hồng: không bổ sung đủ ẩm cho cây
Hầu hết hoa hồng đều ưa ẩm, tuy nhiên không ưa môi trường ngập nước. Khi thời tiết khô hạn hoặc nắng quá nóng, bạn cần tưới nước cho hoa hồng nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, nhiều người lại không làm thế cho đến khi các dấu hiệu đầu tiên của thiếu ẩm xuất hiện. Cây chịu căng thẳng về độ ẩm thường có biểu hiện lá rủ xuống, rụng lá hàng loạt. Để hạn chế điều này, bạn có thể bổ sung hệ thống tưới nhỏ giọt để luôn cung cấp độ ẩm cho cây kịp thời. Cùng với đó, bạn có thể bổ sung một lớp phủ trên đất để giữ ẩm cho cây tốt hơn.
Sai lầm thứ tư khi trồng hoa hồng: không cắt tỉa hoa hồng
Cắt tỉa hoa già
Những bông hoa nở rực có thể khiến bạn cảm thấy tiếc nuối khi chúng về già. Và ta thường có xu hướng để chúng tàn tự nhiên. Tuy nhiên, điều đó không hẳn tốt cho cây. Việc duy trì những hoa già tiêu tốn nhiều năng lượng của hoa hồng, khiến cây không thể tập trung ra nụ mới.
Cắt tỉa cành định kỳ
Như đã đề cập ở trên, trồng cây hoa hồng quá to trong một không gian quá nhỏ có thể khiến bạn phải cắt tỉa thường xuyên. Còn có trường hợp, người chăm sóc lại hầu như không cắt tỉa hoa hồng. Việc cắt tỉa cảnh thực tế được khuyến khích thực hiện mỗi năm một lần, thường vào mùa xuân. Cắt tỉa cành già, cành chết có thể giúp cây trở nên thông thoáng hơn, và dành năng lượng để phát triển mầm lá mới.
Xem thêm: Tỉa Cành Cho Cây Hoa Hồng Đúng Cách
Sai lầm thứ năm khi trồng hoa hồng: không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây
Hoa hồng là loài có nhu cầu dinh dưỡng cao. Vì thế, người trồng hoa hồng thường mắc phải sai lầm không cung cấp đủ dinh dưỡng mà chúng cần trong thời gian sinh trưởng. Hoặc, họ bón phân sai thời điểm khiến cây vô tình chịu nhiều căng thẳng hơn.
Để hoa hồng nở đẹp nhất, hãy bón phân vào đầu mùa xuân và một lần nữa sau đợt hoa đầu tiên. Bạn có thể lặp lại mỗi tháng một lần cho đến tháng 8. Bởi sau thời gian này, cây thường có thời gian ngủ đông.