Chưa được phân loại

Thiết kế hệ thống tưới – Phần 1: Các phương pháp tưới

thanhlong

Trong nghề nông, việc cung cấp nước cho cây trồng đứng đầu trong “tứ cần” (nước-cần-phân-giống).Vì thế, việc cung cấp nước cho cây trồng sinh trưởng, phát triển là nhu cầu tối quan trọng trong canh tác nông nghiệp.

Bài viết này cố gắng trình bày một cách đơn giản nhất để giúp người nông dân có trình độ trung bình biết cách thiết kế một hệ thống tưới bằng vật liệu nội địa, rẻ tiền và việc tính toán các thông số sao cho phù hợp với đồng đất của từng hộ, nhằm giúp bà con đở bỡ ngỡ, tốn kém khi muốn tự xây dựng một hệ thống tưới cho riêng mình.

Phần 1 sẽ giới thiệu tới bà con các phương pháp tưới đang được áp dụng ở nước ta

Đối với diện tích trồng lúa nước, do mặt ruộng bằng phẳng, chỉ cần bơm, xả nước vào ruộng là xong; nhưng đối với diện tích trồng cây lâu năm hoặc trồng màu, đặc biệt trên khu đất có địa hình không bằng phẳng, việc tưới nước cho cây trồng là nỗi vất vả lớn đối với bà con nông dân chúng ta..

Một số nơi, bà con có điều kiện về kinh tế đã nhờ các công ty tư vấn thiết kế xây dựng hệ thống tưới nước tự động hoặc bán tự động cho cây trồng.Hệ thống tưới Israel cũng đã được ứng dụng ở nhiều nơi trong nước; nhưng xem ra, do thiếu vốn đầu tư nên đa phần nông dân nghèo chưa với tới những kỹ thuật này.Cũng có một số hộ tự tìm tòi, suy nghĩ và  “thiết kế” ra hệ thống tưới cho mình; tuy nhiên, do không am hiểu về thủy lực đường ống, về nguyên lý cấp thoát nước nên bà con thường gặp thất bại hoặc phải tốn kém nhiều do phải mày mò “thử/sai”..

I – Các phương pháp tưới:

Hiện nay, ở nước ta thường sử dụng các phương pháp tưới sau:

1 – Tưới thủ công: dùng thùng tưới, gánh, xách nước tưới cho từng gốc trên đồng.

2 – Tưới bằng dây mềm: dùng ống nhựa mềm có gắn bơm tưới để phun nước vào gốc cây.

Hai phương pháp tưới hoàn toàn thủ công hoặc bán thủ công và ai cũng biết làm, nhưng tốn nhiều công sức và khó có thể áp dụng cho diện tích tương đối lớn.

3 – Tưới theo rãnh: xẻ các mương (rãnh) nhỏ dọc theo hàng cây, xả nước vào đầu rãnh, nơi cao nhất cho nước tự chảy đến cuối hàng cây (nơi thấp nhất).

Để tăng hiệu quả của phương pháp này, người ta đánh rãnh phụ vòng quanh gốc cây, đường kính rãnh vòng này lớn hay nhỏ tùy thuộc vào tuổi cây (theo tán cây), nối vào rãnh chính để nhận nước.

Phương pháp tưới rãnh giảm chi phí mua ống dẫn nước, nhưng hàng năm phải tu bổ, nạo vét rãnh, các rãnh này còn gây khó khăn cho máy móc di chuyển trên đồng ruộng.

4 – Tưới phun mưa:

Có thể chia phương pháp tưới này thành 2 cách tưới:

4.1 – Tưới phun mưa dùng bét tưới: Phương pháp tưới này, người ta dùng máy bơm và hệ thống ống có gắn bét tưới phân bổ đều trên đồng ruộng.Máy bơm đẩy nước theo đường ống và thoát ra ở đầu bét tưới, làm bét tưới xoay vòng, tạo ra vùng tưới như trời mưa cung cấp nước tưới cho cây trồng.Với phương pháp này, cần tính toán cự ly giữa các bét tưới sao cho bán kính tưới của các bét tưới giao nhau để không cây trồng nào bị bỏ sót khi tưới.

Phương pháp tưới phun mưa dùng bét tưới thường chỉ phù hợp cho tưới cỏ sân gôn, sân bóng đá, tưới rau và hoa màu trồng dày.Khi ứng dụng trên đất trồng cây lâu năm trồng thưa dễ phát sinh cỏ dại giữa các hàng cây và nhiều khi dòng nước chảy tràn lan gây xói lở đất.

Phương pháp tưới phun mưa dùng bét tưới hao phí nhiều nước, ngoài lượng nước cung cấp cho cây trồng, nước còn chảy tràn trên đất gây lãng phí; ngoài ra, giá thành đầu tư hệ thống này cũng không phù hợp với túi tiền của nông dân.

4.2 – Tưới phun tia: cũng giống như tưới phun mưa ở trên, nhưng thay vì dùng bét tưới, người ta đặt ống dẫn nhỏ đi sát hàng cây; tại mỗi gốc cây, đưa ra ống nhựa mềm để cung cấp nước cho từng gốc cây.

Tưới phun tia là phương pháp tưới tiết kiệm nước, không gây xói mòn đất và giá thành đầu tư cũng phù hợp với nông dân nên chúng ta sẽ bàn kỹ hơn về phương pháp này ở phần sau.

5 – Tưới nhỏ giọt: Đây là sáng chế của người Israel và là phương pháp tưới hiện đại, cực kỳ tiết kiệm nước tưới và có thể cho vận hành suốt ngày đêm nhưng vẫn không làm ngập úng, ảnh hưởng đến hô hấp của bộ rễ.

Với phương pháp tưới nhỏ giọt: nước được cung cấp từ máy bơm sẽ được dẫn theo đường ống chính, tỏa ra các đường ống phụ rồi theo các đường ống nhánh đi xuyên qua các hàng cây.Tại mỗi gốc cây (hoặc theo từng cự ly cố định) sẽ có những lỗ nhỏ cung cấp nước nhỏ giọt rất chậm (khoảng 5-10 lít/ngày đêm) liên tục cung cấp nước cho cây trồng.

Tuy là công nghệ hiện đại nhưng phương pháp tưới nhỏ giọt cũng chưa đến được với nông dân do giá thành xây dựng hệ thống này còn cao, đòi hỏi có kỹ thuật tương đối để vận hành và do các ống nhánh là ống nhựa mềm nên phải đi nỗi trên mặt đất, dễ bị chuột bọ cắn phá, trâu bò dẫm đạp gây hư hại; mặt khác, tuy có bộ lọc gắn ở sau bơm nước, nhưng khi vận hành, hệ thống này cũng hay bị tắc nghẽn do rêu, cặn bã bám kín lỗ cấp nước.

6 – Tưới ngầm: phương pháp tưới ngầm cũng tương tự tưới nhỏ giọt, nhưng thay vì cho nước nhỏ từng giọt trên mặt đất, người ta dùng loại băng lưới dày quấn quanh, nước ngấm qua lớp lưới lọc này và thấm vào đất, gần gốc cây.

Phương pháp tưới ngầm cũng có những ưu nhược điểm gần giống phương pháp tưới nhỏ giọt nhưng do đường ống nhánh đi ngầm dưới đất nên tránh khỏi bị chuột bọ, trâu bò phá hại.Tưới ngầm cũng dễ bị tắc nghẽn hơn tưới nhỏ giọt và khi đã bị tắc, xử lý phức tạp hơn.

Sưu tầm

Theo: Võ Đình Tiến

Thanhlongvietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *