Cây Lưỡi hổ hay còn gọi là cây Lưỡi cọp, cây Hổ vĩ mép lá vàng (Tên khoa học: Sansevieria zeylanica Willd.var.laurentii Hort)
Giới thiệu về cây Lưỡi hổ
Cây Lưỡi hổ có nguồn gốc từ châu Phi nhiệt đới. Lưỡi hổ là loài thực vật không có thân trên mặt đất, mọc thẳng đứng đến 60 cm, có thân rễ. Cây thuộc họ Măng tây Asparagaceae
Lá lớn mọc thẳng, hình giáo hẹp, nhọn, dày cứng,mép màu vàng nhạt. Phiến lá có nhiều vằn ngang màu lục nhạt pha trắng, không đều nhau.
Lưỡi hổ có các cành mang hoa thẳng, mảnh mai và thường ngắn hơn so với những chiếc lá (dài 30 – 75 cm). Cành mang hoa mang nhiều hoa trong một cụm kéo dài gần ngọn.
Những bông hoa dài, có màu trắng, vàng trắng hoặc hơi trắng xanh và thường xếp nhóm 1 – 3 hoa dọc theo cành mang hoa. Mỗi bông hoa có 6 cánh hoa, một phần cánh được hợp nhất thành ống (bao hoa hình ống) và phân chia thành 6 thùy mở ra tại đỉnh của hoa. Các thùy khá hẹp và thường được uốn cong về phía sau khi những bông hoa nở hoàn toàn. Mỗi bông hoa có cuống nhỏ, có 6 nhị và một vòi nhụy dài trên đỉnh với đầu nhụy nhỏ.
Cây lưỡi hổ cho quả mọng nhỏ, hình tròn đường kính 7 – 9 mm. Quả cây lưỡi hổ chuyển từ màu xanh sang màu cam sáng khi chín. Hạt có màu nâu nhạt, thuôn dài 6 – 7 mm và rộng 5 mm.
Lưỡi hổ có mép vàng được trồng phổ biến. Ngoài ra còn có lưỡi hổ vằn (sanseviera triasciata Prain) không có mép vàng.
Lưỡi hổ rất khó ra hoa, có lá đẹp, lạ mắt và độc đáo và thường dùng nhiều trong nội thất. Cây được trồng trong chậu đứng trang trí văn phòng, công ty, nhà ở… Cây lưỡi hổ có được biết đến là một trong những loại cây hiếm gặp có khả năng cung cấp nhiều oxy vào ban đêm. Cây rất thích hợp nếu được đặt trong phòng ngủ để tăng cường lượng oxy trong không khí.
Kỹ thuật trồng cây Lưỡi hổ
Tách bụi cây nhân lúc thay chậu đối với cây già và có viền mầu vàng, hoặc giâm bằng những khúc lá.
Giâm lá: chọn một lá non, khỏe và có mầu đẹp. Cắt ngang sát gốc. Cắt thành từng khúc dài 5cm và để nó tự liền sẹo. Chôn các khúc lá khoảng 1/2 vào chậu có trộn hỗn hợp cát và than bùn ẩm. Đặt chậu vào râm mát và tưới rất ít.
Cách chăm sóc cây Lưỡi hổ
Cây ưa sáng hoặc chịu bóng bán phần, dễ chăm sóc.
Do khả năng sống và chịu hạn tốt, cây không cần tưới nhiều. Chỉ khi đất khô mới cần tưới. Phải đảm bảo không bị ứ đọng nước gây úng.
Bón phân định kỳ để cây phát triển mạnh.
Điều kiện khí hậu: mát – nóng
Điều kiện nhiệt độ, ánh sáng trồng Lưỡi hổ
Cây có khả năng chịu khô hạn và chịu nóng rất tốt. Lưỡi hổ không chịu được lạnh.
Điều kiện để cây phát triển mạnh là 22-30 độ C.
Yêu cầu đất trồng cho cây Lưỡi hổ
Đất trồng tốt nhất là loại đất có tính kiềm, đất pha cát, thoát nước tốt.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.