Nói về cách thụ phấn cây Sứ thái thì có lẽ đây là 1 đề tài không mới nhưng cũng còn xa lạ với nhiều người. Cùng tìm hiểu cấu tạo của hoa sứ và kỹ thuật thụ phấn cây Sứ thái qua bài viết sau đây.
Các cách thụ phấn cây sứ thái
Có 2 cách thụ phấn trên sứ thái:
Thụ phấn tự nhiên do sự tác động của thiên nhiên(côn trùng, kiến, ong thụ phấn, gió…).
Thụ phấn nhân tạo do tác động của con người.
Tìm hiểu cấu tạo hoa Sứ
Mỗi giống Sứ thường có cấu tạo hơi khác nhau về: độ dài các cọng nhụy, độ to nhỏ của ống phễu chứa phấn và núm nhụy và độ nhiều ít khác nhau của phấn đực.
Hoa Sứ có ống hoa nhỏ, có giống ống hoa rất nhỏ và hẹp nên côn trùng khó xâm nhập để hút mật và thụ phấn. Giữa bao phấn và núm nhụy có 1 màng nhỏ của núm nhụy cái ngăn cách phấn hoa.
Giữa phần đực và phần cái được ngan cách bởi 1 màng mỏng. Chính vì vậy phấn rất khó tiếp xúc với nhụy cái. Đây là vùng có lớp chất nhầy (để bám lấy phấn). Cây Sứ rất khó tự thụ phấn nên cây chỉ được thụ phấn nhờ côn trùng. Côn trùng dùng vòi để chích, hút mật hoa . Vòi dính phấn, vòi hút đó tiếp tục chọc thủng màng ngăn và tiếp xúc với vùng thụ phấn bên dưới núm nhụy thì cơ hội thụ phấn mới diễn ra.
Quá trình thụ phấn cho Sứ thái
Nguyên tắc thụ phấn: Dùng 1 vật trích lấy phấn. Sau đó, đưa phấn này dính vào vùng thụ phấn ngay dưới núm nhụy cái.
Tuy nhiên, cả phấn và núm nhụy cái đều nằm trong bao phấn (khép kín). Nên chỉ thực hiện được thao tác thụ phấn khi tách lớp vỏ bao phấn ra, để lộ ra ngoài vùng thụ phấn đó – phấn và núm nhụy cái.
Kỹ thuật thụ phấn cây Sứ thái
Lấy phấn từ hoa bố
- Cắt bỏ 1 phần nhánh hoa, chỉ chừa lại trên hoa vài cánh cùng đầy đủ các bộ phận bên trong như 5 cọng nhụy hoa, nhị hoa.
- Tại điểm chụm lại (điểm eo) này thì 5 cọng nhụy mới bắt đầu rời nhau ra khỏi và vươn lên tách biệt hẳn. Ta rứt bỏ 5 cọng nhụy ở phía trên điểm eo này.
- Phấn nằm ở ngay đỉnh đầu hình nón (côn). Núm nhụy (đầu nhụy) có đỉnh hơi bẹt nên không tiếp nhận được phấn đực cho nên không thụ phấn. Vùng thụ phấn được của núm nhụy chính là mặt dưới hơi cong của núm nhụy.
- Dùng cọ hoặc nhíp, miếng kim loại nhỏ lấy phấn ngay đỉnh đầu côn hình nón. Đầu côn chính là chỗ eo thắt lại của 5 cọng nhụy đực từ dưới đi lên.
- Phấn đã được lấy ra khỏi đầu côn. Tiến hành từ từ và cẩn thận để lấy tất cả phấn mà hoa Sứ có.
Tiến hành thụ phấn trên hoa mẹ
- Rạch 1 đường ở cánh hoa mẹ nhằm để lộ ra các bộ phận bên trong của hoa sứ như 5 cọng nhụy hoa, nhị hoa.
- Đưa phấn từ hoa bố vào vùng thụ phấn.
- Dùng băng keo (hoặc dây chun) dán vòng quanh ống hoa để giữ hình hài nguyên vẹn cho hoa.
- Trái đã đậu.
- Trái trưởng thành.
Phương thức thụ phấn
Thụ phấn đơn:
Là phương pháp thụ phấn trên cùng một hoa hay cùng một cây. Dùng phấn của hoa Sứ phết lên nhụy cái của hoa Sứ đó hoặc các hoa khác nhưng trên 1 cây cùng giống. Trái đậu sau khi thụ phấn mang tính chất, đặc điểm của cây cũ. Đây là việc thụ phấn để có trái và lấy hạt Sứ.
Thụ phấn chéo (để lai tạo giống mới):
Là phương pháp thụ trên 2 cây khác nhau. Dùng phấn của hoa Sứ giống này (cây bố) đưa qua phần nhụy cái của hoa Sứ giống khác (cây mẹ). Sự kết hợp này giữa phấn và nhụy của 2 cây Sứ giống hoa khác nhau tạo nên giống Sứ mới.
Những lưu ý khi thụ phấn cây Sứ
Chọn lựa 2 giống bố, mẹ cẩn thận nếu muốn lai 2 giống này với nhau. Hai giống bố, mẹ phải có những đặc điểm đáng kể về hoa xứng đáng để lai tạo.
Hoa Sứ để thực hiện việc lai tạo nên chọn khi vừa mới nở để đảm bảo hoa thuần khiết, chưa bị ảnh hưởng bởi tác động của côn trùng.
Thụ phấn vào khoảng 7 – 8 giờ sáng là tốt nhất, khi trời vẫn còn mát và đã có nắng nhẹ.
Các hoa Sứ quá già không phù hợp cho việc thụ phấn vì sau khi nở vài ngày thì nhiệt độ môi trường nóng sẽ khiến phấn đực trong hoa khô đi, mất chất lượng khi thụ phấn.
Ghi chép cẩn thận việc thụ phấn để sau này biết được giống Sứ mới (nếu có) là cây lai từ 2 giống bố mẹ nào để dễ lập “gia phả” cho các giống Sứ sau này.
Thông thường, trái sẽ chín từ lúc thụ phấn tới lúc thu hoạch khoảng 75 ngày vào mùa hè và khoảng 95 ngày vào mùa đông.