Chia sẻ kinh nghiệm, Hoa lan

Những thông tin cần biết về loài lan lai – lan Dendro nắng

Tại sao gọi là lan Dendro nắng?

Lan Dendro nắng là một loài lan thuộc chi Dendrobium, họ Orchidaceae. Đây là loài lan lai, ngoại nhập.

Cây rất ưa sáng nên khi cây trưởng thành nhất là vào giai đoạn ra hoa cây cần 100% ánh sáng. Cây càng được chiếu sáng càng nhiều thì cây sẽ càng khỏe và cho hoa càng đẹp. Chính vì vậy mà loài lan lai này lại có tên Dendro nắng.

Đặc điểm Lan Dendro nắng

Loài lan này có chiều cao trung bình từ 50-150cm và có từ 10-25 giả hành. Những cách hoa dựng đứng, xoắn lại. Lan Dendro nắng có màu sắc rất đa dạng. Chùm hoa mọc ở các đốt gần ngọn và có thể ra 10-50 hoa.

Nhiệt độ, độ ẩm, tưới nước cho Lan Dendro nắng

Lan Dendro nắng thuộc nhóm ưa nóng. Nhiệt độ thích hợp cho loài lan thuộc nhóm này 25oC. Nhưng với các loài lan lai như Dendro nắng này thì có thể chịu được nhiệt độ cao hơn.

Cũng giống các loài lan khác chỉ phát triển tốt trong điều kiện không khí ẩm và thoáng. Ẩm độ tương đối cần thiết là 40%-70%. Cấu tạo giá thể quá ẩm hoặc úng là điều kiện bất lợi của loài lan này. Vì bộ rễ có thể hoàn toàn bị thối. Khi này, cây sẽ mọc keiki (chồi) từ ngọn của thân thay vì mọc ở gốc.

Lan Dendro nắng được trồng trong điều kiện ánh sáng nhiều hơn từ 70%-100%. Chính vì vậy, nhu cầu nước cũng cao hơn so với các loài lan khác. Từ tháng 5 đến tháng 11 tưới 2 lần/ ngày. Từ tháng 12 đến tháng 2 tưới 3 lần/ ngày. Từ tháng 3 đến cuối tháng 4 tưới 1 lần/ ngày. Trong mùa nghỉ việc tưới nước 1 lần/ ngày, các giả hành sẽ teo và nhăn lại. Nhưng khi mùa mưa đến thì các chồi non sẽ mọc lên rất nhanh và mạnh, các chồi hoa sẽ hình thành dần.

Ánh sáng cho lan Dendro nắng

Dendro nắng là loài lan ưa sáng. Có thể trồng lan trong điều kiện ánh sáng trực tiếp hya khuếch tán. Ánh sáng hữu hiệu cho loài lan này là 70%. Vào giai đoạn lan ra hoa cần 100% ánh sáng.

Các chậu lan được treo cách nhau 15-25cm trên giàn lan. Tùy vào kích thước của cây mà bố trí khoảng cách hợp lý.  Sao cho cây có đủ dộ thoáng và đủ ánh sáng. Khi trồng lan với số lượng lớn cần phân bổ các cây có cùng độ tuổi để chăm sóc dễ dàng hơn.

Đối với loài cây này thà rằng cây bị thừa ánh sáng hơn là bị thiếu. Sự thiếu sáng đối với loài cây này gây ra sự thoái hóa rõ rệt. Cây bị èo uột, ra hoa ít hoặc không ra hoa theo chu kỳ. Thừa sáng chỉ làm cây bị bỏng lá, lá ngả vàng hay giả hành bị trụi. Cây sẽ thích nghi dần nhưng vẫn đảm bao ra hoa nhiều và đẹp. Tuy nhiên, trồng theo điều kiện lý tưởng nhất vẫn là tốt nhất cho cây.

Phân bón cho lan Dendro nắng

Lan Dendro nắng thuộc nhóm Dendrobium thân đứng là loài lan đòi hỏi nhu cầu dinh dưỡng cao. Vì thế, cần bón nhiều phân và kết hợp nhiều loại phân bón khác nhau.Vào mỗi giai đoạn của lan cần bón các loại phân phù hợp. Và đặc biệt, khi bón lan phải bón nhiều lần với nồng độ loãng. Như vậy, Lan sẽ hấp thụ tốt hơn là bón ít lần với nồng độ cao. Sự kết hợp của các loại phân vô cơ, hữu cơ và các chất phụ gia(sinh tố, nguyên tố vi lượng) đảm bảo cây luôn được cung cấp đủ chất.

Phân vô cơ

Các loại phân vô cơ có công thúc 30-10-10 sử dụng trong suốt giai đoạn tăng trưởng.  Dùng 3 lần/ tuần với nồng độ 1 muỗng cà phê /4 lít nước. Một tháng trước khi vào mùa nghỉ cần bón 10-20-30 bón 2 lần/ tuần. Như vậy sẽ tạo sức chịu đựng cho cây trước khi vào mùa nghỉ. Cây sẽ trự đủ dưỡng chất cần thiết để chuẩn bị cho mùa ra hoa.

Phân hữu cơ

Phân trâu bò, phân trùn quế, bánh dầu,.. Bón bằng cách pha loãng rồi tưới cho cây. Hay vò viên rồi đặt phía trên giá thể. Hiện nay một số loại phân cũng được sản xuất dưới dạng viên nén như: trùn quế hạt mận Vernut,..

Lưu ý

Trong mùa nghỉ không bón phân. Thường loài lan này kết thúc mùa tăng trưởng vào khoảng tháng 9 đến tháng 10. Khi đó những chiếc lá cuối cùng thấy được trên đỉnh giả hành (thân). Mùa sinh trưởng kết thúc, giảm nước tưới và phân bón dần dần. Lúc này cây cần nhiều nắng.

Phân bón là con dao 2 lưỡi. Loài lan này cần nhiều phân bón nhưng việc lạm dụng sẽ dẫn đễn tình trạng cây bị chết. Có thể giảm nồng độ phân bón để rút ngắn thời gian giữa là bón. Nhưng tăng nồng độ để kéo dài thời bón là một cách làm sai lầm. Bởi vì đặc tính hấp thụ chất dinh dưỡng đặc thù của loài lan. Lan Dendro nắng dù là loài lan lai nhưng vẫn giữ được các đặc tính nguyên thủy.

Cấu tạo giá thể

Sử dụng chậu nhựa, gỗ hay đất nung đều được nhưng phải thật thoáng. Các loại giá thể thường được sử dụng là: than gỗ, sơ dừa, dớn, vỏ đậu phộng… Tuy nhiên, giá thể than vẫn là hiệu quả nhất. Chuẩn bị chậu có chứa các thành phần theo thứ tự sau:

Sử dụng xốp bẻ thành từng mảng vừa phải lót dưới đáy chậu. Xốp làm tăng độ thoáng, thoát nước. Sau đó là một lớp than được đập thành từng cục có kích thước vừa phải. Lớp này khi cây ra rễ sẽ có độ thoáng để rễ phát triển.  Lớp trên cùng là than đập nhuyễn.

Thay chậu

Các loài lan thuộc giống Dendrobium thường rất nhạy cảm với cấu tạo giá thể không phù hợp. Trong thời gian dài trồng cây, các giá thể bị hư hay rễ cũ già chết tạo thành lớp mùn. Lớp mùn tạo điều kiện úng nước khi lượng nước thừa. Nó còn là môi trường thuận lợi cho các loài côn trùng vi khuẩn sinh sống. Làm cho bộ rễ bị hư thối. Khi đó cây sẽ có hiện tượng chồi ngọn mọc cây con.

Nên thay chậu 2 năm 1 lần, trong quá trình sinh trưởng cây mọc nhiều giả hành chật chậu. Và ít nhiều chậu cũng bị đóng rêu, giá thể hư hại.

Nhân giống Lan 

Lan Dendro nắng được nhân giống bằng 3 cách: nuôi cấy mô, tách chiết, tạo keiki. Phương pháp tách chiết được sử dụng phổ biển vì không đòi hỏi cao.

Phương pháp tách chiết

Tách 3 giả hành thành 1 bụi. Cột cây vào 1 bên mép chậu. Xoay hướng mà cây con có thể mọc vào phía trong. Như vậy, những cây con mới mọc dẫn vào phí trong cân bằng chậu. Cách làm này, vừa giúp chậy và cây cân đối vừa kéo dài thời gian thay chậu. Sử dụng giá thể như trên.

Nuôi cấy mô – nhân giống Invitro

Phương pháp này không áp dụng được tại các nhà vườn. Đây là phương pháp nhân giống Lan với số lượng rất lớn trong thời gian ngắn.

Bước 1: Chọn mẫu tốt và tiến hành vô trùng mẫu

Tiến hành lựa cây có tính trạng tốt nhất. Cắt phát hoa( đoạn lúc hoa chưa nở) hoặc dùng đỉnh sinh trưởng của cây Lan Dendro nắng.

Nếu dùng đỉnh sinh trưởng để nhân, chọn phần chồi non khoảng 3-5 cm. Bóc vảy hành cho đến khi thấy phần đỉnh. Sau đó, cắt ra và tiến hành khử trùng.

Vô trùng mẫu: bằng cách ngâm trong cồn 70° trong 30 giây. Rồi rửa sạch bằng nước cất vô trùng ngâm trong dung dịch Javel 50% 4-5 phút. Có thể ngâm tiếp trong muối thủy ngân HgCl2 0.1% 1 phút. Mô sau đó được rửa lại với nước cất vô trùng 4 – 5 lần. Quá trình vô trùng được tiến hành trong tủ cấy.

Bước 2: Nhân giống invitro

Mẫu vô trùng ở bước 1 sau đó được đưa vào bình nghiệm nuôi cấy. Trong bình này chứa môi trường nuôi cấy lan. Có thể là Knudson C orchid medium, có thể là môi trường Murashige and Skoog medium gọi tắt là MS. Môi trường nuôi cấy là yếu tố quyết định đến chất lượng của cây. Ở mỗi nơi sẽ có bí quyết môi trường riêng.

Yêu cầu nhiệt độ trong môi trường nuôi cấy

Nhiệt độ nuôi cấy từ 22 độ C đến 25 độ C. Ở những nơi khí hậu mát mẻ nhưng Đà Lạt, Đức Trọng thì không cần phải lắp máy điều hòa nhiệt độ. Nhưng trồng ở nơi nóng thì phải lắp để bảo đảm điều kiện tối ưu hóa cho cây Lan.

Yêu cầu ánh sáng trong môi trường nuôi cấy

Ánh sáng cũng là một yếu tố không kém quan trọng. Có thể mở đèn 12 giờ sáng/ ngày hoặc thiết kế phòng sao cho có nhiều ánh sáng chiếu vào phòng.

Sau khoảng 2-3 tuần thì ta thấy xuất hiện các thể li ti gọi là protocom. Chúng là những mầm non sẽ hình thành nên một cây mới. Cắt và chia nhỏ protocom ra các bình môi trường khác. Từ một mẫu cây hình thành nên rất nhiều thể protocom.

Bước 3: Giai đoạn nhân nhanh

Lấy mẫu từ giai đoạn 2 đem qua môi trường ở giai đoạn 3. Những thể li ti hoặc những cây con nhỏ xíu được cấy chuyền vào các bình môi trường khác. Những bình này có thể thêm hormone nhằm kích thích chúng phát triển phần thân. Hormone ở giai đoạn này là Cytokinins( 6-BAP, TDZ, Kinetin, …) thông thường người ta xài 6-BAP để kích thích chồi vì giá thành rẻ hơn so với các chất trong nhóm cytokinins.

Cũng lưu ý thêm là có thể sử dụng thêm Auxin ở giai đoạn này để chúng kích thích một ít rễ nhằm tạo ra cây con đầy đủ các bộ phận trước khi đem ra vườn ươm.

Sâu bệnh và các vấn đề khác

Nấm và Virus

Lan Dendro nắng là một loài lan kháng bệnh cao. Tuy nhiên cây vẫn bị nấm và viruss tấn công. Nguy hiểm nhất là bệnh khô thân gần gốc do virus xâm nhập. Các giả hành  bị khô dần chết. để duy trì nòi giống, cây con sẽ mọc trên ngọn. Hay khi thời tiết thay đổi, mưa nhiều là thời diểm mà nấm bệnh phát triển.

Ngừa bệnh cho lan Dendro nắng bằng cách nửa tháng xịt 1 lần các loại thuốc ngừa nấm. Một số loại thuốc: Viben, Fudasol, Topsil, Benomyl với nồng độ ghi trên bao bì. Thuốc trừ nấm bệnh Aliette phòng chống thối rễ, thối thân, dùng tốt trong mùa mưa.

Phòng trị nấm bệnh:

– Thối gốc và thối rễ: Viben, Fudasol
– Thối mềm: Kasai
– Thối nâu: Streptomycin, Tetracylin
– Thối đen: Aliette, Ridomil, Vilaxyl
– Bệnh đốm vòng, khô cháy lá, đốm nâu, héo rễ: Tospin, Viben, Fudasol, Vicarben, Desoral
– Đen thân: Zin, Zineb, Carbenzim
– Bệnh đốm lá: Cabenzim + Dipamate, Cadilac, Thio – M, Dipomate
– Bệnh thán thư, thối nâu vi khuẩn: Kasumin, Saipan + Mexyl, Saipan + Alpine, Mexyl + Alpine.

Một số côn trùng gây hại

Trồng các loại loại cây có mùi như: húng, quế, bạc hà, xả… quanh vườn để xua đuổi các loại côn trùng gây hại. Hay dùng vòi nước tưới dưới mặt lá để cuốn trôi ấu trùng, trứng của các loại côn trùng gây hại.

Khi các biện pháp này không có hiệu quả thì sử dụng các loại thuốc dưới đây luân phiên để tránh lờn thuốc:
– Nhện đỏ: Nissorun, Pegasus, Dimethoate, Mitac, Rufast, Ortus, Comites, Abamectin, Kelthane
– Bọ trĩ: Videci, Visher, Vifast, Trebon, Banate 40SP, Supracide, Dragon (5cc) + SK99 (20cc)/ bình 8 lít
– Rệp sáp, rệp bột: Acephate + chất bám dính
– Rệp vảy: Malathion, Trebon

Một số dấu hiệu bệnh khác của cây Lan Dendro nắng

Lá xanh đậm và quặt quẹo: dấu hiệu thiếu ánh sáng.

Lá vàng úa cây còi cọc: quá nhiều ánh sáng, quá nóng.

Lá cứng cát và hơi ngả mầu vàng: vừa đủ ánh sáng.

Lá bị đốm thối và loang dần: bị bệnh thối lá thối đọt.

Lá bị chấm, có sọc, có quầng: triệu chứng bị vi rút.

Lá bị đốm nhưng không loang: đọng nước và bị lạnh.

Đầu lá bị cháy: muối đọng trong chậu vì bón quá nhiều, hoặc lá già.

Lá nhăn nheo: thiếu độ ẩm hay thối rễ.

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *