Thời gian gần đây, trên nhiều kênh thông tin đều có đề cặp đến sức nóng trong cạnh tranh của ngành mía đường. Các nhà máy, hộ nông dân trồng mía của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức đến từ các đối thủ nước ngoài như đường nhập khẩu Thái Lan, nhập khẩu từ Lào…
Để giải quyết được vấn đề, điều cơ bản và tiên quyết đó là phải nâng cao được năng suất mía.
Đứng trước thách thức đó, nhiều Tập đoàn, công ty đang nỗ lực hết sức để cơ giới hóa trong canh tác và thu hoạch, một trong những công việc trọng điểm và quan trọng bậc nhất đó là giải pháp tưới cho mía.
Nhiều doanh nghiệp cũng như bà con có liên hệ với chúng tôi hỏi về thiết bị và phương pháp tưới mía.
Trong bài viết này, chúng tôi xin được đưa ra mô hình tưới di động hiện đang được áp dụng rất thành công tại Nông trường Thành Long (Nhà máy mía Biên Hòa – Tây Ninh) và tại Công ty CP Đường Ninh Hòa.
Mô tả phương pháp tưới di chuyển cho cây mía – phần thiết bị
Đây là phương thức tưới phun mưa, phương thức phù hợp với nhu cầu về nước cho sự sinh trưởng và phát triển của cây mía.
Hệ thống tưới di chuyển gồm một trục dẫn nước, thường dùng ống PVC 60mm; trên trục dẫn nước có gắn sẵn các họng chờ để đấu nối nhanh với hệ thống ống mềm di chuyển.
Hệ thống ống mềm di chuyển có thể tháo ráp nhanh chóng, cuộn lại khi tưới xong và rải ra khi di chuyển sang hàng mới. Hệ thống này đấu nối với trục dẫn nước chính qua các đầu nối.
Trên ống mềm di chuyển, cứ 12-14m được cắt ra và gắn lên đó 1 chữ Tê đặc biệt. Mỗi chữ Tê sẽ được gắn với cọc béc.
Béc tưới dùng trong hệ thống là béc tưới bán kính lớn cho cánh đồng Nelson R33LP có bán kính 15m, rất gọn – nhẹ, có tuổi thọ trung bình cao (có thể trên 20 năm sử dụng).
Mỗi máy bơm áp cao từ 3-4HP có thể tưới được cho 5ha.
Ngoài ra hệ thống còn có các cọc gắn cố định trên ruộng để giữ cho cọc béc thẳng. Cọc thường làm bằng thân tre, gỗ…
Mô tả vận hành tưới di động
Trên trục chính cứ 20m có một họng chờ. Trục chính thường được đặt dọc ruộng (có thể đặt chính giữa hoặc bờ biên của ruộng mía)
Bà con sẽ tưới luân phiên từng hàng một.
Bước 1: Hàng đầu tiên, bà con rải ống mềm trên ruộng và đấu nối với họng chờ.
Bước 2: Gắn các cọc béc vào chữ Tê trên ống mềm, đồng thời gia cố với cọc tre đỡ béc.
Bước 3: Vận hành máy bơm.
Bước 4: Bà con có thể nghỉ ngơi trong thời gian hệ thống đang tưới (thời gian tưới mỗi vị trí có thể 4-5 tiếng), hoặc tranh thủ làm việc khác.
Bước 5: Sau khi tưới xong, ngắt máy bơm, thu cuộn ống lại
Bước 6: Quay về bước 1.
Chi phí đầu tư cho một hệ thống tưới di động
Chi phí đầu tư phụ thuộc vào quy mô đồng ruộng.
Theo tính toán của chúng tôi, mỗi hệ thống có thể tưới được cho 05ha và với chi phí trung bình như sau:
– Diện tích 2 ha: 9,268,700vnd/ha
– Diện tích 3 ha: 6,180,000vnd/ha
– Diện tích 4 ha: 4,635,000vnd/ha
– Diện tích 5 ha: 3,707,000vnd/ha.
Bà con tải về và tham khảo bộ tài liệu tưới di động cho cây mía tại đây.
Lưu ý: Phương pháp này cũng có thể ứng dụng cho tưới các loại cây, hoa màu khác như Dứa (thơm), các cây trồng họ đậu, khoai các loại, tưới bắp, tưới mì….
Lợi ích từ hô hình
– Chi phí đầu tư rất thấp (thấp nhất)
– Ít rủi ro
– Hoàn vốn nhanh
– Số lần di chuyển trên mỗi héc ta rất thấp (chỉ 5 lần)
– Mỗi lần di chuyển tưới được diện tích lớn nhất (0.2 – 0.3ha)
– Dễ dàng tháo lắp, di chuyển, vận hành
– Hạt nước tơi mịn, độ đồng đều cao (85 – 90%), không làm hư hại cây trồng
– Ứng dụng linh hoạt
– Tuổi thọ của thiết bị cao. Đầu tư 1 lần dùng cho nhiều năm.
– Mang lại giá trị, tăng thu nhập ngay năm đầu tiên sử dụng.
Kính chúc bà con được mùa – được giá.
Tác giả: Nguyễn Trọng Hòa (Ban cơ giới, tập đoàn Thành Thành Công) – Nguyễn Minh Đức.