Trong thế giới cây cảnh có nhiều loài cây đẹp và cây hoa sứ cũng không hề kém cạnh với vẻ đẹp tinh tế, đa sắc màu và giàu ý nghĩa. Cây hoa sứ sở hữu bộ sưu tập màu sắc đa dạng như đỏ, hồng, tím, vàng… Đặc biệt hoa sứ phù hợp với mọi không gian, giúp tô điểm cho ngôi nhà thêm rực rỡ. Ngoài ra loài cây này dễ trồng, hoa đẹp, nhân giống nhanh và còn có thể tạo kiểu bonsai rất độc đáo. Cùng Ban Công Xanh tìm hiểu về cách trồng cây hoa sứ cũng như cách chăm sóc cho cây luôn khỏe, sai hoa nhé!
Vẻ đẹp cây hoa sứ
Nói đến loại cây cảnh được ưa thích và trồng phổ biến ở Việt Nam là nói đến cây hoa sứ. Hơn 40 năm du nhập vào Việt Nam, cây hoa sứ còn được gọi là cây sứ Thái. Loại cây này còn được mệnh danh là “Hoa hồng sa mạc” vì vẻ đẹp quyến rũ, tinh tế và thích hợp sống ở môi trường khô hanh, ưa nắng. Chính vì đặc điểm ưa khô nên loại cây này phù hợp với điều kiện miền Nam hơn miền Bắc. Người ta ấn tượng cây hoa sứ bởi bộ rễ lớn, củ sứ phình to tạo hình dáng vô cùng độc đáo và thú vị. Người chơi hoa sứ chuyên nghiệp thường tạo ra các thế bonsai như Sứ té khiến loại cây này càng trở nên đẹp bội phần.
Cây có lá màu xanh bóng hoặc xanh nhám tập trung ở đầu cành, có hình dáng thuôn dài và mép lá rất nhẵn. Hoa sứ có năm cánh mỏng tạo thành hình phễu và có các màu cơ bản là trắng, hồng và đỏ. Ngày nay hoa sứ được lai tạo và cho ra nhiều màu sắc và cánh kép rất đẹp. Loại cây này được trồng nhiều bởi những người có kinh nghiệm hoặc có điều kiện vì cây hoa sứ là cây cảnh quý và có giá thành khá đắt.
Cây hoa sứ có nhiều loại như sứ kép, sứ trắng, sứ đỏ, sứ cát tường, sứ hỏa tiễn… Nếu trồng trong nhà thì nên trồng sứ đỏ vì loại này giúp làm sáng không gian rất nhiều. Ngoài ra loại cây này còn mang ý nghĩa đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Nhiều gia đình thường trưng hoa sứ đỏ vào dịp Tết để cầu may mắn, biểu trưng cho ước nguyện bình an, trường thọ.
Cách trồng cây hoa sứ cho ra hoa đẹp, củ sứ to
Chuẩn bị chậu và đất trồng
Cây hoa sứ trồng chậu là đẹp và thích hợp nhất. Không nên trồng bằng chậu tráng men hoặc nhựa mà nên sử dụng chậu xi măng, chậu đá mài có lỗ lớn ở dưới để thoát nước. Chậu bằng xi măng hoặc đá mài sẽ hợp với cây hoa sứ và làm tôn lên vẻ đẹp của loại cây này. Vì là cây ưa khô nên chậu cần đảm bảo thoát nước tốt nhé.
Yếu tố thứ hai quan trọng không kém khi trồng cây hoa sứ chính là đất trồng. Hiểu được đặc điểm của cây nên ta cũng biết được nhu cầu đất của cây là phải tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt. Ngoài ra đất trồng cây hoa sứ phải có độ pH lý tưởng là 6.0 thích hợp cho cây phát triển. Có thể sử dụng đất cát, đất thịt trồng cây đều được. Nhưng để đất tơi hơn, có độ ẩm phù hợp thì nên trộn thêm 25% đá Perlite, 25% đá Pumice (hoặc tro trấu, xơ dừa), 20% phân bò (trùn quế) và 30% Peat Moss (Akadama hoặc Tribat)
Cách trồng cây hoa sứ từ hạt
Để chiêm ngưỡng được trọn vẹn vẻ đẹp của cây sứ Thái thì nên trồng bằng hạt. Bởi vì người chơi hoa sứ thường chú trọng phần củ, mà để củ to đẹp thì phải được trồng bằng hạt. Còn nếu trồng bằng cách giâm cành thì không thể ra củ to và đẹp được. Cách trồng cây hoa sứ bằng hạt không khó. Chỉ cần 8 tháng trồng là cây đã lớn và bạn có thể sở hữu chậu hoa đẹp tại nhà. Và đây là các bước trồng cây hoa sứ Thái tại nhà:
- Bước 1: Đầu tiên nên xử lý hạt trước khi trồng. Hạt hoa sứ có chùm lông ở 2 đầu và mọi người cần loại bỏ chúng đi. Nên lựa chọn những hạt sứ đẹp, to khỏe, không có mầm bệnh để trồng. Trước khi gieo trồng cần ngâm hạt trong nước ấm 40 – 50 độ. Hoặc mọi người có thể ngâm nước lạnh trong vòng 4 tiếng.
- Bước 2: Đây sẽ là bước gieo hạt vào khay. Nên sử dụng khay ươm sâu 7cm và có nhiều lỗ. Cho đất vào, gieo hạt và đợi 7 ngày là hạt nảy mầm. Ươm hạt ở nơi khô ráo và thông thoáng. Thường xuyên tưới phun sương 1 – 2 lần vào sáng và chiều mát.
- Bước 3: Sau 2 tháng ươm hạt thì cây đã nảy mầm và ra cây con. Lúc này ta có thể bứng cây ra khỏi khay ươm và trồng chậu. Đầu tiên trồng cây hoa sứ vào các chậu nhỏ rồi chuyển sang chậu lớn phù hợp với kích thước cây.
Cách trồng cây hoa sứ bằng giâm cành
Ngày nay người ta cũng thường trồng bằng phương pháp giâm cành. Bởi vì phương pháp này dễ dàng và tỉ lệ thành công cao. Để trồng thì đầu tiên ta đổ hỗn hợp đất đã chuẩn bị vào 2/3 chậu rồi đặt cây sứ vào giữa, thêm đất sao cho đất ngập một phần rễ và ngang bằng miệng chậu. Rễ cây phải nằm lên trên miệng chậu, đất thấp hơn miệng chậu để tránh khi tưới nước bị tràn ra ngoài. Cây sứ trồng một thời gian sẽ phát triển kích thước nên cần chuyển sang chậu mới phù hợp hơn.
Cách chăm sóc cây sứ Thái
Chăm sóc loại cây này cần chú ý các yếu tố như ánh sáng, nước tưới. Đồng thời đảm bảo đủ dinh dưỡng, phân bón. Cây hoa sứ ưa khô và nắng vì có nguồn gốc từ sa mạc. Vì vậy nên đặt chậu ở nơi có nhiều nắng trực tiếp giúp hoa nở nhiều và đẹp hơn. Loại cây này không cần tưới nhiều nước. Chỉ nên tưới khi đất khô và không nên tưới ngập chậu.
Dinh dưỡng cũng rất quan trọng nếu muốn cây sứ Thái phát triển tốt và có củ to. Đối với cây con nên bón 30% phân Đạm, 10% phân Lân, 10% Kali. Cây trưởng thành bón theo tỷ lệ 10% phân Đạm, 30% phân Lân, 10% Kali. Giai đoạn cây chuẩn bị ra nụ nở hoa hay ra hoa thì bón theo công thức 10% phân Đạm, 10% phân Lân, 30% Kali.
Trồng hoa sứ quan trọng nhất vẫn là chăm sao cho ra củ sứ to. Mà để củ sứ to thì ngoài trồng bằng hạt thì cần chăm sóc kỹ lưỡng và hợp lý. Ngoài chăm sóc tốt thì mọi người chỉ nên bấm đọt chứ không nên cắt cành hoa sứ. Đặc biệt là giữ đất ẩm, tránh bị úng nước. Khi củ sứ to thì có thể tạo hình theo ý thích rất đẹp và độc đáo.
Cách tạo hình bonsai cho sứ Thái
Tạo hình bonsai là một nghệ thuật mà không phải ai cũng làm được. Đa số mọi người trồng sứ Thái là để tạo ra hình dáng độc đáo và đầy sáng tạo. Sau khi trồng 1 – 2 năm cây sẽ phát triển rễ to. Lúc này mọi người có thể thực hiện sửa rễ và tạo dáng cho cây. Vào lúc trời nắng thì nâng rễ ra khỏi miệng chậu để cắt tỉa cho gọn gàng, đẹp mắt. Cắt bớt rễ thừa, rễ con và sắp xếp cho bộ rễ xòe ra hợp lý. Mọi người có thể cắt và sửa theo hình dáng mà mình mong muốn. Lưu ý trong thời gian này không nên tưới nước cho cây cho đến khi các vết cắt liền sẹo.
Phòng ngừa sâu bệnh
Cây hoa sứ thường mắc các bệnh như sâu xanh, rầy bông và bọ sứ, đốm vàng lá, rệp nhện đỏ, bệnh thối nhũn… Vì vậy nên chăm sóc và phòng ngừa tốt sâu bệnh cho cây. Nên đảm bảo nước tưới và phân bón để cây cân đối dinh dưỡng. Từ đó giúp cây tăng sức đề kháng chống chịu bệnh tật. Khi cây mắc bệnh thì cần phát hiện và xử lý kịp thời. Nếu bệnh nặng thì hãy sử dụng các loại thuốc đặc trị.
Lời kết
Cây hoa sứ đã trở thành biểu tượng của sự may mắn, trường thọ của mọi nhà. Cách trồng cây hoa sứ khá công phu và tỉ mỉ, chỉ có bàn tay vàng mới có thể chăm và tạo ra cây hoa sứ dáng đẹp, khỏe mạnh toàn diện. Mong rằng bài viết sẽ mang đến những thông tin bổ ích và hỗ trợ mọi người trồng cây hoa sứ hiệu quả.
Xem thêm: