Ngày 12/7, tại Công viên thực vật cảnh Việt Nam (Thanh Trì, Hà Nội), Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam phối Công ty VINEXAD (Bộ Công Thương) tổ chức tọa đàm “Xu hướng mới nhất trong thiết kế cảnh quan và công nghệ làm vườn”.
Tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, đại diện doanh nghiệp. Nhằm chia sẻ, tạo động lực cho ngành cảnh quan “phát triển xanh”; và dần đưa công nghệ làm vườn là một ngành “sáng tạo”, là xu thế tất yếu trong cuộc sống của người dân.
1. Thiết kế cảnh quan
Thiết kế cảnh quan có thể nhìn nhận một cách khái quát là làm cho không gian mở còn lại giữa các công trình đẹp hơn. Nhờ các giải pháp xử lý không gian, tầm nhìn, sự kết nối tinh tế giữa các vật liệu liên quan. Và hiện nay là kết hợp công nghệ trong ứng dụng, vận hành. Một công trình cảnh quan công cộng tạo được những giá trị môi sinh quan trọng. Và nếu đạt được các yếu tố thẩm mỹ, tính ứng dụng hài hòa sẽ được xem như một tác phẩm nghệ thuật, một di tích có sức sống trường tồn.
2. Công nghệ làm vườn
Công nghệ làm vườn là một phần quan trọng trong chuỗi tạo dựng cảnh quan và thường được thấy ở các công trình tiểu cảnh, cây xanh, hồ nước…
Tại tọa đàm, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả đã chia sẻ về những “Ứng dụng công nghệ cao trong việc phát triển sản xuất cây ăn quả, rau, hoa, cây cảnh tại Việt Nam”. PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết, khái niệm nông nghiệp 4.0 chính là tập trung chủ yếu vào sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano.
3. Nông nghiệp 4.0
Khác với nông nghiệp công nghệ cao đó là tập trung thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại, nông nghiệp 4.0 chính là thay đổi phương thức quản lý nông nghiệp. Theo đó, nông nghiệp 4.0 sẽ mở đường cho những hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà con người không cần có mặt trực tiếp.
Nền tảng của nông nghiệp 4.0 là sự kết hợp của nông nghiệp chính xác và các tiến bộ trong công nghệ thông tin. Nhằm chia sẻ các dữ liệu về các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình canh tác. Từ đó đưa ra phương án sản xuất tối ưu. Dữ liệu (data) nắm một vai trò then chốt trong quá trình sản xuất. Giúp hỗ trợ quá trình sử dụng các thiết bị cơ giới, tự động hóa trong sản xuất, tối ưu hóa sản xuất dựa trên đánh giá các yếu tố đầu vào một cách chính xác, dự tính, dự báo các tác nhân gây ảnh hưởng đến quá trình canh tác.
PGS.TS Đặng Văn Đông cho hay, tại Việt Nam đến thời điểm này, không khó để có thể bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố: như nước, phân, thuốc, độ ẩm, ánh sáng và chuyển nó vào các thiết bị kết nối Intenet như máy tính, điện thoại. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại. Thậm chí, như với mô hình Tập đoàn FPT đang phối hợp triển khai tại Viện Nghiên cứu rau quả, chuyên gia sống tại Nhật cũng có thể kết nối và điều khiển được các yếu tố của trang trại rau tại Việt Nam. Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng Internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới. Con người không cần có mặt trực tiếp. Thậm chí ở một số khâu robot sẽ thay thế con người. Từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động.
4. Các công nghệ chính xác
Các công nghệ chính xác được sử dụng trong nông nghiệp đã mang lại cho người nông dân khả năng quản lý các yếu tố đầu vào trong canh tác một cách chính xác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống. Các nhân tố đầu vào càng được sử dụng hiệu quả sẽ mang đến kết quả là năng suất càng cao hơn, chi phí thấp hơn và mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường.
Thực tế cho thấy, tối ưu hóa các yếu tố đầu vào mang lại một lợi ích to lớn cho sản xuất nông nghiệp. Vừa làm giảm thiểu chi phí cần bỏ ra trong sản xuất, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu người tiêu dùng đặt ra. lại có thể mang lại những lợi ích lâu dài đối với môi trường.
Để đạt được kết quả, dữ liệu cần có trong quá trình sản xuất cần phải được thu thập, phân tích một cách khoa học, chính xác. Ngoài hỗ trợ cho quá trình sản xuất, dữ liệu này còn giúp kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng, đóng vai trò then chốt trong nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm đầu ra.
5. Chia sẻ của các chuyên gia diễn giả trong tọa đàm
Tại tọa đàm, các chuyên gia, diễn giả đã đóng góp những ý kiến về những xu hướng mới trong thiết kế cảnh quan và công nghệ làm vườn như: chia sẻ của bà Phạm Thúy Loan, Viện Phó Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng về kiến trúc cảnh quan; GS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Chủ nhiệm khoa Lâm nghiệp – Đại học Lâm nghiệp chia sẻ về phong thủy trong thiết kế và trưng bày cây cảnh; ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Công viên Thực vật cảnh Việt Nam chia sẻ về khoa học cây trồng trong bồn chậu: các yếu tố thiên nhiên Việt Nam khắc nghiệt, công thức đất trồng… Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng giới thiệu các ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao như: hệ thống lọc nước thông minh; hệ thống xử lý rác thải và bảo vệ môi trường…
Tọa đàm “Xu hướng mới nhất trong thiết kế cảnh quan và công nghệ làm vườn” là một sự kiện trong khuôn khổ triển lãm Quốc tế Công nghệ Làm vườn & Cảnh quan (Garden & Landscape) sẽ diễn ra từ ngày 4/12-7/12, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị quốc tế Sài Gòn (SECC), TP Hồ Chí Minh.
Nguyễn Hoan