Trồng cây từ lâu đã trở thành thú vui tao nhã của nhiều người. Ý nghĩa của việc trồng cây cảnh không chỉ nằm ở thành quả mà là những trải nghiệm thú vị trong quá trình chăm sóc cây. Học cách chăm cây cũng rèn luyện được tính nhẫn nại và sự cẩn thận. Nếu bạn cũng muốn trở thành một người trồng cây chuyên nghiệp thì nên bắt đầu trồng cây Lưỡi hổ. Vì cây này rất đẹp nhưng dễ tính, dễ chăm. Và câu hỏi thường gặp nhất đó chính là “Tại sao Lưỡi hổ của tôi bị rũ lá?”. Vậy ta hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân cây Lưỡi hổ bị rũ lá và cách khắc phục ngay dưới đây!
Dấu hiệu cây Lưỡi hổ bị rũ lá
Rũ lá — một trong những căn bệnh thường gặp ở cây Lưỡi hổ. Lưỡi hổ gây ấn tượng mạnh bởi những chiếc lá mọc thẳng đứng vững chãi, vì vậy khi cây bị bệnh rũ lá thì ta không khó để nhận biết. Dấu hiệu cây Lưỡi hổ bị rũ lá đó là khi lá bị héo, đổi màu, rũ xuống và thiếu sức sống. Lá cây không còn xanh tốt như lúc trước mà héo khô, mất sức sống, nghiêm trọng hơn thì cây có thể bị chết.
Nguyên nhân cây Lưỡi hổ bị rũ lá
Có nhiều nguyên nhân khiến cây Lưỡi hổ bị rũ lá. Và đa số nguyên nhân đều đến từ việc chúng ta chăm sóc sai cách. Cây có thể bị rũ lá vì thiếu nước, ánh sáng, phân bón hay thậm chí là do côn trùng, sâu bệnh tấn công. Cùng tìm hiểu chi tiết một vài nguyên nhân khiến cây Lưỡi hổ bị rũ lá ngay dưới đây.
1. Lưỡi hổ bị rũ lá do thối rễ
Thối rễ là vấn đề khiến nhiều người đau đầu khi chăm cây. Khi cây bị thối rễ thì rất khó khắc phục và khi ta phát hiện thì tình hình đã rất nghiêm trọng. Cây thường bị thối rễ do thừa nước, úng nước nghiêm trọng. Vì Lưỡi hổ là loài ưa khô nên nhu cầu nước rất ít. Do đó nhiều người rất mắc phải sai lầm tưới nhiều nước cho cây dẫn đến thối rễ, lá bị rũ xuống. Khi cây bị thối rễ thì nên hạn chế tưới nước, kiểm tra độ ẩm của đất. Nghiêm trọng hơn thì phải tiến hành thay chậu và đất, cắt bỏ các rễ bị thối, nhũn.
2. Cây Lưỡi hổ bị rũ lá do thiếu nước
Nguyên nhân phổ biến khiến cây héo và rũ lá đó là thiếu nước. Khi cây thiếu nước rễ cây sẽ hoạt động không tốt, mất khả năng hút chất dinh dưỡng để cung cấp cho lá dẫn đến lá bị héo và rũ xuống. Tuy nhiên khá ít cây Lưỡi hổ bị bệnh do thiếu nước. Vì chúng là loại cây ưa khô, có sức chịu đựng tốt trong môi trường khắc nghiệt. Do đó cây bị rũ lá có thể do thiếu nước trong thời gian dài nên cây mới bị vậy. Đặc biệt khi bạn quá bận rộn hay đi công tác, du lịch và không ai chăm sóc cho cây Lưỡi hổ thì cây sẽ bị thiếu nước trầm trọng.
3. Cây bị thiếu ánh sáng
Ánh sáng là yếu tố quan trọng để cây trồng phát triển. Ánh sáng giúp cây quang hợp tốt cũng như cung cấp chất diệp lục để lá xanh tốt hơn. Đặc biệt là các dòng lưỡi hổ có thân cao, lá xanh thì cần đảm bảo đủ ánh sáng để cây luôn khỏe mạnh. Tuy Lưỡi hổ chịu bóng tốt, có thể trồng nội thất nhưng chúng sẽ phát triển tốt hơn nếu trồng ngoại thất. Trồng trong bóng râm lâu ngày đôi khi sẽ khiến cây rũ lá, mất sức sống. Nên trồng cây ở vị trí gần cửa sổ hay ban công. Còn nếu trồng trong nhà thì nên thường xuyên cho cây phơi nắng.
4. Cây không có không gian để “thở” (bám rễ)
Bám rễ là hiện tượng không hiếm gặp ở các loại cây đặc biệt là cây Lưỡi hổ. Cây bị bám rễ khi chúng phát triển lớn, ra nhiều rễ và kích cỡ to hơn so với chậu. Nếu không thay chậu cho cây thì lâu dần sẽ xảy ra hiện tượng bám rễ. Không thể lơ là khi cây bị bám rễ vì chúng sẽ khiến rễ hoạt động không tốt, bị hạn chế trong môi trường nhỏ hẹp.
Vì vậy để cây hoạt động tốt thì rễ phải thông thoáng và hạn chế hiện tượng bám rễ. Nếu rễ bị bám chặt vào nhau thì cây sẽ hoạt động kém trong việc hút chất dinh dưỡng, khiến lá bị héo và rũ xuống. Khi Lưỡi hổ bám rễ thì cách duy nhất để xử lý là thay một chậu mới kích cỡ phù hợp hơn. Còn nếu trồng Lưỡi hổ ngoài vườn thì không cần lo vấn đề này.
5. Nguyên nhân khác
Ngoài 4 nguyên nhân trên thì Lưỡi hổ có thể bị rũ lá bởi các nguyên nhân khác. Cây có thể đổ bệnh do bón phân sai cách. Thế nào là bón phân sai cách? Là khi bón phân cho cây quá nhiều hoặc quá ít. Bón phân không đúng cách cũng sẽ dẫn đến việc lá bị rũ xuống ở cây Lưỡi hổ. Ngoài ra còn có tác nhân khác đó là sâu bệnh. Đặc biệt khi môi trường sống của cây bị ẩm càng tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Bên cạnh đó cây cũng sẽ bị rũ lá khi nhiệt độ không phù hợp, Lưỡi hổ thích hợp sống trong nhiệt độ từ 13 – 29 độ C.
Cách khắc phục khi cây bị rũ lá
Khi cây gặp phải tình trạng bị rũ lá thì đừng vội bỏ đi vì có thể khắc phục được. Có thể nói đây là bệnh dễ chữa nhất ở cây Lưỡi hổ. Đặc biệt khi phát hiện càng sớm thì càng dễ dàng khắc phục. Nếu cây bị rũ lá do thiếu ánh sáng, thiếu nước thì rất dễ khắc phục. Chỉ cần bổ sung đủ nước, chuyển vị trí cây đến nơi có ánh sáng tốt là được. Kiểm tra rễ cây xem chúng có bị bám rễ không. Nếu bị bám rễ thì nên thay chậu và đất mới cho cây. Tuy nhiên cây Lưỡi hổ ít khi cần thay chậu, thường thì trồng vài năm mới phải thay.
Còn nếu nghiêm trọng hơn, cây bị héo và thối lá nên được cắt bỏ ngay dưới phần chết hoặc thối. Phần lá này coi như bỏ vì chúng sẽ không bao giờ mọc lại nữa. Chú ý không cắt quá nhiều lá vì có thể làm cây chết. Hoặc bạn có thể đợi cây phát triển dài hơn để cắt bỏ những lá già bị bệnh.
Trên đây là tất cả thông tin về cây Lưỡi hổ bị rũ lá: dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục. Thật ra Lưỡi hổ là loại cây rất dễ tính và ít khi bị bệnh. Nếu chúng gặp trường hợp như rũ lá, héo lá thì có thể do bạn chăm sóc sai cách. Mong rằng bài viết này có thể giúp mọi người hiểu hơn về bệnh về lá trên cây Lưỡi hổ. Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết!
Xem thêm: