Cây Lưỡi hổ luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho những người mới tập chăm cây. Bởi vì cây không chỉ đẹp, có nhiều lợi ích mà còn rất dễ chăm nữa. Đối với người chưa ít kinh nghiệm thì việc chăm cây sẽ có rất nhiều khó khăn. Nhưng trồng cây Lưỡi hổ thì rất nhẹ nhàng vì cây thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh, có sức sống mãnh liệt mà ta không ngờ tới. Thế nhưng cũng có những lúc Lưỡi hổ sẽ bị sâu bệnh, nghiêm trọng hơn là chết cây. Đó là do chúng ta chưa tạo điều kiện phù hợp cho cây phát triển. Một trong những vấn đề mà người chăm cây thường gặp là bệnh đốm lá trên cây Lưỡi hổ. Hãy cùng bắt bệnh và tìm ra cách khắc phục bệnh đốm lá ngay dưới đây.
Bệnh đốm lá trên cây Lưỡi hổ là gì và dấu hiệu nhận biết
Lưỡi hổ là một trong những loại cây nội thất dễ trồng và được ưa chuộng nhất hiện nay. Cây khá là dễ tính nên rất thích hợp cho những người mới chăm cây và chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế nhưng có nhiều người vì không hiểu rõ về đặc điểm Lưỡi hổ dẫn đến việc chăm cây sai cách. Chăm sai cách sẽ đem lại ảnh hưởng không tốt cho Lưỡi hổ và gây bệnh cho cây. Một trong những bệnh thường gặp trên cây Lưỡi hổ nhất là bệnh đốm lá. Bệnh đốm lá là bệnh do nấm Colletotrichum sp gây ra. Dấu hiệu nhận biết là ban đầu sẽ xuất hiện các đốm màu nâu trên lá, lâu dần các đốm sẽ lây lan to ra và tạo thành những vết loét ở trên lá.
Nguyên nhân do đâu gây nên bệnh đốm lá trên cây Lưỡi hổ
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đốm lá ở cây trồng. Nguyên nhân trực tiếp đó là do nấm Colletotrichum sp ký sinh và gây ra. Bệnh lây lan thông qua bào tử và gây bệnh ở cả cây còn non lẫn cây sinh trưởng tốt. Khi một chiếc lá bị nhiễm nấm Colletotrichum sp sẽ rất dễ lây lan sang các lá khác. Nói chung tốc độ lây lan của loại nấm này khá nhanh và khiến chúng ta trở tay không kịp. Còn nguyên nhân sâu xa dẫn đến cây bị nấm ký sinh là do thừa nước. Khi cây thừa nước, đất ẩm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm bệnh phát triển. Do đó nên bệnh này trở nặng hơn khi mùa mưa đến và giảm nhẹ khi trời nóng dần.
Cách khắc phục triệu chứng đốm lá ở cây
Nếu phát hiện và xử lý kịp thời thì không có gì là khó khăn đối với Lưỡi hổ. Để xử lý bệnh đốm lá đầu tiên cần cách ly các chậu có lá bị nhiễm bệnh để tránh lây lan sang các loại cây khác. Sau đó tách cây ra khỏi chậu, vệ sinh toàn bộ dụng cụ cắt tỉa bằng cồn 70 độ và dùng dao/kéo đã sát trùng để loại bỏ các vùng bị nhiễm bệnh nặng. Có thể thay thế cồn bằng rượu, muối pha loãng để vệ sinh. Sau khi đã cắt bỏ vùng nhiễm bệnh, phun thuốc diệt nấm như SAIZOLE 5 SC hoặc DIPOMATE 430SC. Sau khi phun, đặt cây ở nơi khô thoáng chừng 1 ngày rồi trồng lại vào đất mới thoáng khí và thoát nước tốt. Vẫn tiếp tục theo dõi cây thường xuyên cho đến khi cây khỏe hẳn.
Phương pháp phòng trị bệnh cho Lưỡi hổ
Biết được nguyên nhân cây bị đốm lá thì rất dễ dàng để phòng bệnh. Như ta đã biết thì bệnh đốm lá xảy ra do nấm và điều kiện môi trường bị ẩm, thừa nước. Nên tốt nhất là nên trồng cây trong đất thoát nước tốt và thoáng khí. Lựa chọn các giá thể được trộn từ các chất thoát nước tốt như đá perlite, xỉ than, tro trấu. Nếu cảm thấy khó khăn với việc tự trộn giá thể, bạn có thể mua giá thể trộn sẵn dành riêng cho cây Kiểng lá Tropical Premium. Khi chăm cây, chú ý luôn quan sát tình trạng của đất đặc biệt là độ ẩm. Chế độ nước cũng rất quan trọng, hãy tưới khi thấy đất bề mặt đã khô hẳn. Với giá thể thoát nước tốt, trung bình tưới 1 tuần/ lần. Trồng cây ở nơi thông thoáng, có ánh nắng để tránh tình trạng cây bị úng nước, giữ ẩm. Nên chú ý cây nhiều hơn vào mùa mưa, đem cây vào trong nhà vì đây là thời gian nấm bệnh hoạt động mạnh.
Lời kết
Đốm lá là bệnh thường gặp ở mọi loại cây. Nếu không phát hiện kịp thời thì sẽ lây lan nhanh sang các bộ phận khác và cây khác. Vì vậy hãy theo dõi sức khỏe của cây và phát hiện vấn đề kịp thời nhất có thể. Trong quá trình chăm cây hãy chủ động phòng bệnh cho cây. Thế thì Lưỡi hổ của bạn sẽ luôn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống và hạn chế bệnh tật. Chúc mọi người thành công!
Xem thêm: