Có những điều tưởng chừng như rất đơn giản nhưng mang lại hạnh phúc, bình yên cho tâm hồn chúng ta. Đó chính là trồng cây xanh, trồng cây cũng chính là trồng người, là đang nuôi dưỡng tâm hồn của con người. Vì lẽ đó nên nhiều người lựa chọn cây Lưỡi hổ để trồng và chăm sóc. Cây Lưỡi hổ gây ấn tượng với người khác bởi vẻ vững chãi, khí thế như một vị Chúa rừng xanh. Và điều mà nhiều người quan tâm nhất khi trồng cây đó chính là sâu bệnh trên cây. Hãy cùng Ban Công Xanh tìm hiểu các loại bệnh thường gặp trên Lưỡi hổ và cách khắc phục nhé!
Những sai lầm khiến cây Lưỡi hổ mắc bệnh
Vì nghĩ cây Lưỡi hổ dễ tính nên nhiều người chăm sao cũng được. Quả thật cây có sức sống rất mạnh, khả năng thích nghi cao và đôi khi “bất tử” trước mọi điều kiện khắc nghiệt. Thế nhưng Lưỡi hổ vẫn sẽ mắc bệnh như thường. Các bệnh thường gặp ở Lưỡi hổ cũng giống như các loại cây khác, ví dụ như bị thối rễ, rũ lá, đốm lá…
Nguyên nhân lớn nhất khiến Lưỡi hổ mắc bệnh là do chúng ta chăm cây không đúng cách. Để cây phát triển tốt nhất, đầu tiên phải nắm rõ những đặc điểm của cây để tránh mắc phải sai lầm. Lưỡi hổ là loại cây ưa khô, nhu cầu về ánh sáng, nước tưới, dinh dưỡng của cây rất ít. Đa số cây chịu hạn và chịu lạnh tốt. Tuy nhiên dòng cây Lưỡi hổ mini như Lưỡi hổ vàng Hahnii có khả năng chịu nắng kém hơn các loại mọc lá cao.
Vì vậy nên nắm chắc mình đang trồng dòng cây nào và nhu cầu của chúng ra sao. Căn cứ vào đặc điểm thì chúng tôi nhận thấy rằng, người chăm thường mắc sai lầm cơ bản như:
- Đất trồng không phù hợp: Lưỡi hổ không có yêu cầu về tính chất đất. Nhưng đất phải đảm bảo thoáng khí, thoát nước tốt và khô ráo. Do đó nếu bạn sử dụng đất kém thoát nước như đất thịt thì sẽ khiến cây bị úng nước, thối rễ.
- Tưới nước quá tay: Bản thân Lưỡi hổ là loài mọng nước nên chúng không cần tưới nước quá nhiều. Lưỡi hổ kị tưới nước thường xuyên. Do đó việc lỡ tay tưới quá nhiều cũng sẽ khiến Lưỡi hổ mắc bệnh. Tưới 1 lần/tuần là quá đủ đối với loại cây này.
- Ánh sáng: Lưỡi hổ là loài ưa nắng nhẹ và thiên về thích bóng râm nhiều hơn. Nhưng vì cây có sức chịu đựng tốt nên có thể sống trong điều kiện ngoài trời lẫn trong nhà. Tuy nhưng nếu bạn trồng Lưỡi hổ đột biến, Lưỡi hổ lùn thì nên đặt ở nơi có ánh sáng nhẹ vì chúng chịu nắng kém.
- Bón phân nhiều Nitơ: Cây Lưỡi hổ có nhu cầu dinh dưỡng ít. Nhưng nếu chăm cây kĩ để cây luôn đẹp, ra hoa thì dinh dưỡng cũng là một yếu tố cần thiết. Và sai lầm mà ta dễ mắc phải là bón phân nhiều Nitơ. Bổ sung nhiều chất này có thể dẫn đến nóng cây và chết cây.
5 loại bệnh thường gặp trên Lưỡi hổ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách khắc phục
Nói chung cây Lưỡi hổ mắc bệnh đa số là do được chăm quá tay: tưới nhiều nước, bón phân nhiều. Hoặc điều kiện trồng không phù hợp nên dẫn đến cây yếu và đổ bệnh. Sau đây là các bệnh thường gặp trên Lưỡi hổ và cách cấp cứu hiệu quả cho cây.
1. Cây Lưỡi hổ bị vàng lá; lá bị khô và cháy viền
Không riêng gì Lưỡi hổ, cây bị vàng lá là vấn đề thường gặp của mọi loại cây. Đặc biệt khi trồng các loại Lưỡi hổ có màu xanh như Lưỡi hổ Thái xanh thì rất dễ nhận biết dấu hiệu cây bị vàng lá. Trồng một thời gian lá sẽ không còn xanh như trước mà chuyển sang màu vàng, lúc đầu chỉ vàng một vùng lâu dần sẽ vàng toàn lá. Nguyên nhân lá cây bị vàng là do thiếu ánh sáng. Đặc biệt Lưỡi hổ xanh cần nhiều ánh sáng hơn bình thường để tổng hợp chất diệp lục, giúp lá xanh và đẹp hơn. Cách khắc phục là chuyển vị trí chậu cây sang địa điểm có nhiều ánh nắng như cửa sổ, ban công.
Ngoài ra thì nếu thừa ánh sáng thì cây cũng sẽ gặp vấn đề, đó là lá bị khô nhăn, cháy viền lá. Khi bạn thấy lá bị khô, viền lá bị cháy biến thành màu nâu. Nguyên nhân lớn nhất là do cây bị nắng. Cách giải quyết là thay đổi vị trí sang nơi có ánh nắng dịu hơn như gần cửa sổ, ban công có mái che.
Xem thêm: 12 Nguyên nhân và cách khắc phục cây cảnh bị vàng lá
2. Lưỡi hổ bị rũ lá
Vẻ đẹp của Lưỡi hổ nằm ở những chiếc lá thẳng thớm, vững chãi và mạnh mẽ. Do đó Lưỡi hổ tốt là lá phải thẳng, đẹp và chuẩn màu. Thế nhưng một số người gặp vấn đề cây bị rũ lá trông rất mất sức sống. Lí do là cây bị thiếu nước lâu ngày. Lưỡi hổ cần ít nước chứ không phải là không cần nước. Do đó cách khắc phục là tưới nước ngay cho cây. Trong quá trình chăm sóc nên bổ sung nước khi thấy đất khô. Mọi người cứ tuân thủ quy tắc tưới nước 1 lần/tuần là được. Đừng để cây thiếu nước quá lâu, lúc đó lá sẽ không hoạt động tốt và trở nên héo rũ.
3. Cây Lưỡi hổ bị thối rễ
Thối rễ là căn bệnh nguy hiểm nhất đối với cây Lưỡi hổ. Khi cây bị thối rễ nghiêm trọng có nghĩa là chúng đã bị phá hoại nặng nề từ bên trong. Dấu hiệu nhận biết là đất ẩm, vàng lá và cây bốc mùi tanh, thối nặng nề. Cách xử lý cây bị thối rễ cũng phức tạp hơn nhiều. Đầu tiên cần tách cây ra khỏi chậu và loại bỏ những phần rễ bị thối lẫn những chiếc lá bị vàng. Sử dụng thuốc diệt nấm để ngâm rễ, loại bỏ hoàn toàn mầm bệnh. Xong xuôi thì trồng cây vào đất mới và theo dõi cây vài ngày cho đến khi cây khỏe hẳn.
Xem chi tiết: Cách cấp cứu cho cây lưỡi hổ bị thối rễ
4. Cây Lưỡi hổ bị bệnh do nấm khuẩn
Một bệnh khác thường gặp ở cây là cây bị nấm bệnh, xuất hiện các đốm lá. Dấu hiệu nhận biết là khi lá xuất hiện các chấm nhỏ màu nâu, hình tròn, lâu dần vết đốm càng lớn hơn và làm cháy lá. Nguyên nhân gây ra bệnh đốm lá là lo nấm Colletotrichum sp ký sinh và gây bệnh cho cây. Đặc biệt trong môi trường ẩm thì bệnh sẽ phát triển và lây lan rất nhanh. Nguyên nhân khiến nấm bệnh phát triển là do môi trường ẩm tạo điều kiện thích hợp cho chúng phát triển.
Cách giải quyết là cần dùng cần cắt bỏ phần bị nhiễm bệnh tránh lây lan sang các lá khác. Phun thuốc diệt nấm như DIPOMATE 430SC hoặc SAIZOLE 5SC. Để chắc chắn hơn thì nên thay đất cho cây vì có thể nấm bệnh đã trú ngụ trong đất.
Xem thêm: Bệnh đốm lá do nấm trên cây lưỡi hổ
5. Lưỡi hổ bị côn trùng tấn công
Không phải tác động do ánh sáng hay nước nữa. Cây bị côn trùng tấn công cũng rất nguy hiểm và có hại cho cây của bạn. Các loại côn trùng là kẻ địch của Lưỡi hổ là nhện sáp và rệp đỏ. Nếu lá xuất hiện đốm đen nhỏ và có tơ nhện ở mặt dưới lá thì chứng tỏ cây đang bị nhện đỏ tấn công. Còn rệp sáp thì sẽ có dấu hiệu có nhiều đốm trắng như bụi phấn. Cách giải quyết là loại bỏ những con côn trùng này càng nhanh càng tốt. Để phòng hoặc diệt côn trùng cho cây cảnh trồng trong nhà, tốt nhất nên sử dụng dầu Neem pha loãng với nước rửa chén và nước để phun cho cây. Nếu cây bị nhiễm bệnh nặng, có thể phun diệt nhanh bằng các loại chế phẩm diệt côn trùng sinh học như COMDA 250EC.
Phòng bệnh cho cây Lưỡi hổ
Hiếm khi thấy cây Lưỡi hổ mắc bệnh, chỉ khi chăm sai cách thì cây mới bị các bệnh kể trên. Nên biết được nhu cầu nước, ánh sáng và dinh dưỡng của cây để có cách chăm tốt nhất. Lưỡi hổ cần ít nước chỉ cần tưới 1 lần/tuần là có thể đáp ứng nhu cầu. Hoặc chỉ cần tưới khi cây khát nước, biểu hiện là khi đất khô.
Tiếp theo là ánh sáng, không nên để cây dưới nắng gắt 40 độ hoặc đặt cây ở bóng râm quá lâu. Cũng không nên chuyển vị trí ánh sáng cho cây đột ngột. Cây cũng cần thích nghi nên đừng đột ngột đem cây trồng trong nhà đặt ở ánh nắng 40 độ. Cuối cùng là dinh dưỡng, cây cần ít dinh dưỡng nên chỉ cần bón phân 1 tháng/lần hoặc ít hơn. Tốt nhất nên bón phân xanh hoặc tận dụng bã cà phê để bón cho cây.
Lời kết
Tựu chung lại thì hãy chăm sóc Lưỡi hổ vừa phải, đừng cố chăm quá mức nhưng đừng bỏ mặc chúng quá lâu. Đây cũng là loại cây dễ tính nên chỉ cần chăm mỗi thứ một ít là đã tốt lắm rồi. Trên đây là các bệnh thường gặp trên Lưỡi hổ cũng như cách khắc phục, biện pháp phòng chống. Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết này!
Xem thêm: