Bệnh thối nhũn trên hoa lan là một bệnh thường gặp, khiến hoa mất đi vẻ đẹp vốn có. Vì vậy bà con cần chú ý để phát hiện dấu hiệu cũng như tìm ra cách phòng trừ căn bệnh này.
Bệnh thối nhũn trên hoa lan: Triệu chứng
Ngay khi bị bệnh thối nhũn, hoa lan sẽ có triệu chứng ban đầu là xuất hiện chấm nhỏ trên lá hoặc trên chồi non. Các chấm này nhìn khá giống bỏng nước. Sau đó toàn bộ lá sẽ bị lan ra và phồng lên màu nâu. Nếu động vào những vết này thì sẽ có vết nhớt đồng thời có mùi khó chịu.
Nếu bà con không xử lý vết bệnh kịp thời thì vết bệnh sẽ nhanh chóng lan ra. Đặc biệt, thời điểm bệnh phát triển nhanh nhất là mùa mưa hoặc thời tiết nóng, độ ẩm cao. Những cây lan có lá mọng nước càng dễ bị bệnh thối nhũn ví dụ như cây lan đai châu hoặc lan hồ điệp công nghiệp.
Bệnh thối nhũn trên hoa lan: Nguyên nhân
Vào thời điểm tiết trời nắng nóng, khắc nghiệt sẽ khiến cây giảm sức đề kháng. Lúc này mầm bệnh cũng phát triển nhanh.
Ngoài ra, với những người mới chơi lan chưa có kinh nghiệm thì không để ý tới cách phòng bệnh. Trong năm 1, năm 2, giá thể cây còn sạch, vườn chưa có mầm bệnh thì lan có thể khỏe. Nhưng sang đến năm 3 thì lan dễ bị bệnh hơn.
Bệnh thối nhũn còn do côn trùng như bọ trĩ, ruồi vàng, nhện đỏ. Chúng châm chích vào lá khiến vi khuẩn phát triển trong điều kiện ẩm, nhiệt độ thuận lợi.
Cây non cũng dễ bị bệnh thối nhũn do màng tế bào mỏng, dễ bị tổn thương. Bệnh thối nhũn còn do các yếu tố khác như do va chạm, gió tạo ra vết thương hở. Vườn không thông thoáng, bí gió cũng gây ra bệnh.
Bệnh thối nhũn trên hoa lan: Cách phòng trị
Ngăn chặn côn trùng: Bà con nên làm lưới chống côn trùng hoặc treo các bẫy ruồi vàng trong vườn. Hoặc bà con có thể thường xuyên phun thuốc phòng côn trùng. Nên phun nửa tháng 1 lần với vườn mở cùng các loại thuốc như Pesieu, Fendoda, Movento.
Bà con cũng có thể tạo màng bảo vệ mầm tơ. Lời khuyên là nên dùng thuốc có thành phần Mancozeb để phun phòng cho cây. Việc làm này giúp tạo tường thành vững chắc bên ngoài vỏ cây con, trị sự tấn công của mầm bệnh.
Khi phát hiện cây bị bệnh thì bà con phải cách ly cây, kiêng nước vài ôm. Nên cắt bỏ phần lá thối. Sau đó pha thuốc chấm trực tiếp lên chỗ thối, hai ngày 1 lần. Bà con phải pha thuốc theo đúng hướng dẫn sử dụng để bệnh không lan nhanh.
Với những mầm bị thối gốc thì bà con cần cắt bỏ. Sau đó kiêng nước và trị bằng thuốc như trường hợp trên.