Người xưa có câu “Vua chơi lan, quan chơi trà”. Phong lan là một loài hoa đẹp và người chơi lan cũng xếp vào hàng đẳng cấp. Không ai có thể chối từ được vẻ đẹp kiêu sa, uỷ mị của cây hoa lan, đặc biệt là lan rừng. Nhắc đến lan rừng thì người ta sẽ nghĩ ngay đến loài hoa với đặc trưng sống ở vùng núi cao, chúng sống bám trên những thân cây lớn. Ngày nay, loài hoa này đã trở thành cây cảnh được săn đón nhiều nhất, những tay chơi lan có thể bỏ ra hàng triệu đồng để sở hữu một chậu hoa rừng quý hiếm. Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu 30 loại hoa lan rừng đẹp và quý hiếm nhất Việt Nam!
Danh sách 30 loại hoa lan rừng đẹp và quý hiếm nhất Việt Nam
Lan Thảo Kèn
Lan Hoàng Thảo Kèn (tên khoa học là Dendrobium Lituiflorum) là một giống hoa đẹp, quyến rũ và có hương thơm nhẹ nhàng. Màu tím đặc trưng của giống hoa này khá bắt mắt. Chúng thuộc chi Lan Hoàng Thảo với hơn 1200 loài phân bố chủ yếu trong các cánh rừng tự nhiên thuộc vùng Nam Á đến Đông Nam Á, tất nhiên là có cả Việt Nam. Đây là một trong những loại lan tuyệt đẹp và quý hiếm. Ngoài tự nhiên bây giờ rất khó còn tìm thấy do bị săn lùng quá nhiều vì vẻ đẹp của chúng.
Lan Hoàng Thảo Kèn thường mọc dưới những cánh rừng nguyên sinh ở độ cao từ 300m đến 1500m so với mực nước biển. Màu hoa phổ biến nhất là màu trắng. Ngoài ra, màu tím cũng rất được nhiều người ưa chuộng. Lan Hoàng Thảo Kèn thuộc top các loại lan rừng quý hiếm và chỉ có đại gia mới sở hữu. Trong đó lan thảo kèn đột biến có 5 cánh trắng lưỡi tím là đẹp và hiếm nhất.
Lan Hoàng Thảo Kèn có kích thước trung bình từ 30 – 80cm. Cây mọc thành cụm và thân căng tròn rủ xuống trông rất bắt mắt. Dáng thân thon nhọn về phía ngọn thân. Trên thân của chúng có từ 11 – 15 đốt hơi phình ra và được bao bọc bởi các lớp lá. Khi chúng già đi thì lá rụng hết. Thân được bao bọc bởi một lớp màng mỏng. Lan Hoàng Thảo Kèn là loài đắt tiền và khó trồng, chỉ những tay chơi đẳng cấp mới có thể sở hữu và chăm sóc. Để trồng được loài hoa này phải bỏ ra nhiều công sức chăm sóc. Nhưng bù lại hoa rất đẹp và ngát hương thơm.
Lan Trần Tuấn
Với những người có niềm đam mê với hoa lan thì Lan Trần Tuấn là một cái tên thân thuộc. Mang một vẻ đẹp quyến rũ và luôn thu hút sự chú ý của mọi ánh nhìn. Lan Trần Tuấn phân bố tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Người tiên phong mang về trồng là anh Trần Tuấn Anh đặt mua từ Sơn La về. Năm 2003 loài lan này được công nhận rộng rãi và có tên khoa học là Dendrobium trantuanii.
Lan Trần Tuấn có kích thước nhỏ, có chiều cao từ 20 – 30cm. Cây cho hoa nở vào suốt mùa xuân, có hương thơm dịu nhẹ. Hoa nở suốt mùa xuân và nở rất siêng, nở từ gốc tới ngọn. Kích thước hoa vừa phải với 5 cánh màu tím hồng. Tâm bông là một mảng màu vàng kết hợp với nhụy màu nâu. Khác với Lan Thảo Kèn, hoa Lan Trần Tuấn dễ chăm hơn, chỉ cần tưới nước hàng ngày. Và thỉnh thoảng phun thuốc trừ bệnh cho cây là được.
Lan Trầm Tím
Hoa Lan Trầm Tím có tên khoa học Dendrobium Nestor đây là loài lan đẹp với giá trị kinh tế cao. Mang hương thơm nhẹ nhàng dễ chịu nên lan trầm tím thường được ưa chuộng trong ngày Tết. Đây là loại lan đẹp, sức sống cao và phù hợp với thời tiết của mọi miền. Đúng như cái tên, hoa có màu tím và có hương thơm nhẹ nhàng như hương trầm. Lan Trầm Tím được Veitch lai tạo từ giống cây Phi Điệp (giả hạc) và cây Song Hồng, hoàng thảo tím. Chúng thừa kế những đặc tính tốt của cây bố mẹ và có nhiều đặc điểm hơn hẳn cây bố mẹ.
Lan Trầm Tím có thân hơi ngắn, hướng lên trên, vỏ cây màu xanh ngả trắng dần khi trưởng thành. Cây Lan Trầm Tím mọc rủ xuống như lan phi điệp nhưng có thân căng mọng và chắc chắn hơn nhiều. Tuy được lai tạo từ bàn tay con người nhưng Lan Trầm Tính vẫn mang vẻ đẹp hoang dại, đầy sức sống và có hương thơm nồng nàn.
Lan Đơn Cam
Văn hoá chơi lan của người Đông Nam Á là chuộng những loài lan màu sắc trầm ổn nhưng hương thơm phải thực sự đẳng cấp. Trong đó Lan Đơn Cam là giống hoa sở hữu vẻ đẹp rực rỡ cùng hương thơm dịu nhẹ đặc trưng. Chúng được xếp vào danh sách loài hoa hiếm có nhất trên thị trường. Lan Đơn Cam có tên khoa học là Dendrobium unicum. Chúng phân bố chủ yếu ở Thái Lan, Lào và Việt Nam. Ở nước ta chúng mọc chủ yếu ở Tây Nguyên, nơi các khu vực được bao phủ bởi thảm thực vật thấp.
Đây là một loài lan có kích thước nhỏ, chỉ từ 10 – 15 cm, lá 3 – 4 chiếc. Lá thuôn hẹp, dài 5 – 6cm, rộng 0,7 – 1 cm. Cây ưa ẩm và chịu nóng kém. Cây có hoa nở vào mùa xuân và đầu mùa hè. Hoa dài và thon màu cam đậm đôi khi là màu cánh gián. Lan Hoàng Thảo Đơn Cam là dòng hoa rụng lá vào mùa khô nên đến mùa thu lá, mùa đông cây trơ trụi chỉ còn lại thân. Cây ưa ẩm, thích gió và nắng. Chúng thuộc loại cây kén vùng và khá khó trồng nên không phải ai cũng có duyên trồng được.
Để chăm sóc Lan Đơn Cam khoẻ mạnh, ra hoa đẹp thì cần chú ý nhiệt độ, ánh sáng, nước, phân bón và chế độ gió. Nên thực hiện phòng bệnh cho cây vì nếu cây mắc bệnh thì khá khó chữa.
Lan Kiều Dẹt
Những chậu lan rừng tươi thắm không chỉ tô điểm cho không gian nhà thêm rực rỡ mà còn là thú chơi lành mạnh của nhiều người. Trồng lan rừng còn là một sở thích có nhiều giá trị và mang lại kinh tế cao. Lan rừng rất đa dạng về chủng loại, hình dạng và màu sắc. Trong đó, Lan Kiều Dẹt là một trong những dòng lan quý hiếm và có giá trị nhất nước ta. Loại cây này có tên khoa học là Dendrobium Sulcatum. Cây phân bố chủ yếu ở Thái Lan, Việt Nam và Lào. Loài lan này khá hiếm. Thân hình nhỏ nhắn chỉ từ 20 – 45cm, cánh hoa màu vàng, hai bên lá đối xứng nhau.
Lan Kiều Dẹt nở hoa thành chùm rất đẹp mắt, hoa có mùi thơm dễ chịu và thường nở vào mùa xuân. Để trồng lan khoẻ mạnh trước tiên cần chọn cây giống tốt, không có sâu bệnh. Chăm cây phải lưu ý các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ, nước tưới và bón phân. Không nên trồng Lan Kiều Dẹt với mật độ quá dày. Loài lan này rất ít sâu bệnh nhưng người trồng không vì thế mà chủ quan. Nên thực hiện phòng ngừa bệnh kỹ càng và phun thuốc phòng trừ nấm bệnh định kỳ.
Lan Trầm Vàng
Người ta mê lan rừng vì “nàng” sở hữu vẻ đẹp thanh tao, quý phái và có sức sống bền bì không dễ dàng bị quật ngã. Các tay chơi lan rừng chính hiệu không chỉ yêu cầu một loại hoa đẹp mà còn phải có hương thơm đặc trưng, đẳng cấp. Trong đó Lan Trầm Vàng là loài lan được săn lùng nhiều bởi hương thơm dịu nhẹ như hương trầm. Tên khoa học của Lan Trầm Vàng là Dendrobium Ochreatum, phân bố chủ yếu tại Myanmar, Thái Lan và Việt Nam ở các rừng hỗn hợp ẩm ướt và cây lá kim ở độ cao từ 1.200 đến 1600 mét. Ở Việt Nam bạn có thể tìm thấy giống lan này tại Lai Châu, Sơn La, Lào Cai.
Lan Trầm Vàng có thân thòng xuống, lá rủ và mọc so le nhau từ 1 – 3cm. Cây có cần hoa ngắn và mọc ở mắt cây, một cần có thể cho từ 2 đến 3 bông, hiếm kho cho 5 bông. Hoa Lan Trầm Vàng có kích thước từ 3 – 5 cm, có màu vàng đậm, cọng hoa có màu tím, hoa thường nở vào mùa xuân và độ bền hoa từ 7 – 10 ngày. Cây có đặc tính ưa ẩm do đó không nên trồng trực tiếp nơi ánh nắng mặt trời. Chăm sóc Lan Trầm Vàng không phải là điều đơn giản, cần bỏ ra nhiều công sức và thời gian để có thể sở hữu một giò lan khoẻ đẹp và ngát hương.
Lan Long Tu Lào
Những loài lan thuộc họ Long Tu thường sở hữu đặc điểm thân thòng, sai hoa và có hương thơm đặc trưng. Nhiều người thường trồng hoa Lan Long Tu Lào trưng Tết vì hoa sẽ nở đúng vào dịp này. Long Tu Lào thường bị nhầm lẫn với dòng Hoàng Thảo, Hạc Vĩ hay Phi Điệp. Tuy nhiên mỗi loại lại có nét đẹp riêng mà người sành chơi mới có thể phân biệt và cảm nhận được. Lan Long Tu Lào có tên khoa học là Dendrobium primulinum.
Dấu hiệu nhận biết là Lan Long Tu Lào có thân dài khoảng 30-50 cm, buông thõng xuống. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra lan long tu bởi các mắt lõm trên thân già. Long Tu Lào sẽ nở hoa từ các mắt ngủ lõm trên thân, thường nở vào mùa xuân như các loài lan khác. Chúng có đặc tính sai hoa, hoa thơm dịu nhẹ nên rất được săn lùng trong giới chơi lan. So với các dòng lan rừng quý hiếm khác thì Lan Long Tu Lào có giá thành dễ chịu hơn, chăm sóc dễ mà lại sai hoa. Một giỏ Lan Long Tu sữ giúp tô điểm không gian nhà bạn và giúp tâm hồn thêm thư thái, an nhiên.
Lan Trúc Phật Bà
Nhiều người trồng lan không chỉ vì vẻ đẹp thanh tao, tinh tế của chúng mà còn bởi vì ý nghĩa phong thuỷ của chúng. Trong đó Lan Trúc Phật Bà vừa là loài lan sở hữu vẻ đẹp độc đáo vừa hợp phong thuỷ nên rất được các tay chơi ưa chuồng. Lan Trúc Phật Bà có tên khoa học là Dendrobium Pendulum. Loại cây này có hình dáng vô cùng độc lạ: những đốt cây kết hợp lại và nối liền nhau, trên thân mọc ra những con mắt và các nhánh mọc đều hai bên. Nhìn từ xa trông loài lan này như Phật Bà Nghìn Tay nên chúng mới có tên gọi như vậy.
Hoa của giống lan này rất đẹp, là sự kết hợp của 3 gam màu: trắng, vàng và điểm xuyến chút tím nhạt ở đuôi hoa. Trúc Phật Bà ra hoa từ cuối đông đến đầu xuân, cánh hoa có độ rộng từ 4 – 7cm. Hoa có vẻ ngoài độc đáo và hương thơm dễ chịu nên chiếm được nhiều sự yêu mến của người chơi lan.
Khác với những loại lan rừng đã đề cập ở trên, Lan Trúc Phật Bà có kích thước nhỉnh hơn rất nhiều. Chiều cao trung bình của chúng là 1,5 – 3m, nếu trồng ở điều kiện phù hợp có thể cao đến 10m. Người ta thường ưa chuộng Lan Trúc Phật Bà đột biến hơn hẳn vì hoa nở đẹp và độc lạ hơn. Phần đuôi của cánh hoa có màu tím đậm thay vì tím nhạt như Lan Phật Bà thường.
Lan Giả Hạc
Lan Giả Hạc thường mọc ở những vùng rừng nhiệt đới vì vậy nó dễ trồng và dễ nở hoa. Loại hoa này không chỉ đẹp mà còn có hương thơm ngát, tỏa khắp nơi. Hoa lan giả hạc có đặc điểm là nở khá lâu, khoảng 7 – 10 ngày mới tàn. Đặc biệt, khi hoa tàn thì hương thơm của nó vẫn thoang thoảng dễ chịu. Lan Giả Hạc còn có tên gọi khác là Lan Phi Điệp, thuộc nhóm thực vật cây cảnh Lan Hoàng Thảo được rất nhiều người săn đón mạnh mẽ. Chúng phân bố phổ biến ở các nước như Philippines, New Guinea,… những nơi có độ cao 750m so với mực nước biển.
Hoa Lan Giả Hạc có chiều cao ấn tượng từ 100 – 300cm. Thân có đốt tạo cảm giác mềm mại trong mắt người nhìn, lá cây màu xanh bóng, hoa có sự biến đổi giữa màu hồng đậm và tím nhạt. Bên cạnh đó còn có loại Lan Giả Hạc vàng với những chùm hoa rực rỡ, thơm ngát. Hoa có một mùi hương rất dễ chịu và vẫn toả hương ngay khi đã tàn. Lan Giả Hạc bình thường sẽ có giá vài triệu đồng một chậu, còn lan đột biến sẽ rơi vào vài triệu đồng hay thậm chí là trăm triệu đồng. Dù lan đột biến có giá thành đắt đỏ nhưng không ít tay chơi chính hiệu không ngại bỏ ra số tiền lớn để sở hữu loài hoa đẹp ấn tượng này.
Lan Ngọc Điểm
Không lạ gì những loài lan rừng đẹp độc lạ, hương thơm dễ chịu, vậy Lan Ngọc Điểm có gì đặc biệt? Lan Ngọc Điểm còn được gọi là Ngọc Điểm Tai Châu, tên khoa học là Rhynchostylis Gigantea, còn được gọi là Nghinh Xuân. Loài lan này có ưu điểm chống chịu bệnh tật tốt, sức sống cao nên rất được ưa chuộng. Lan Ngọc Điểm là cây bản địa nên khả năng thích nghi tốt, chống được hầu hết các loài sâu bệnh. Lan Ngọc Điểm là lan của Tết cổ truyền dân tộc, mùa của hoa nở luôn luôn vào tháng 12 âm lịch, trừ những năm nhuận nở sớm hơn.
Khác với những loài lan khác, Lan Ngọc Điểm chịu nóng tốt. Cây sinh trưởng trong nhiệt độ từ 26 – 30 độ. Loài lan này cũng ưa ẩm, môi trường có độ ẩm càng cao thì chúng phát triển càng tốt. Hiện nay Lan Ngọc Điểm có 4 loại với 4 màu sắc là : hồng chấm tím, trắng tuyền, đỏ thẫm và đỏ khoang trắng. Đặc biệt hoa Lan Ngọc Điểm có thể nở rất lâu, hoa có thể kéo dài đến 30 ngày. Hoa nở thành những chùm cong xuống dưới, to chừng 3 cm, chùm dài 20 cm. Lan Ngọc Điểm có thể được tìm thấy dọc miền đất nước từ Bắc chí Nam nên có thể thoả mãn niềm đam mê của các tay chơi mọi miền đất nước.
Lan Giáng Hương Hồng Nhạn
Đặc điểm của lan rừng khiến người khác mê mẩn đó chính là sở hữu vẻ đẹp hiếm có và hương thơm ngào ngạt. Hoa Lan Giáng Hương Hồng Nhạn là một trong số những loài lan rừng sở hữu cả hương lẫn sắc khiến nhiều người say đắm. Chúng còn được gọi với cái tên khác là Giáng Hương Hồng Dâu. Hoa có mùi thơm nhẹ, màu đặc trưng hồng hoặc tím, khi hoa nở rộ có hình dáng như con chim nhạn nên mới có tên gọi như vậy. Ở Việt Nam, loài lan này xuất hiện nhiều ở Lâm Đồng và Đắk Lắk.
Lan Giáng Hương Hồng Nhạn có đặc điểm dễ trồng và chăm sóc. Chúng là loại cây đơn thân nên thích hợp trồng trong chậu, rêu giữ ẩm hay trên các thân gỗ. Loại cây này ưa môi trường có độ ẩm cao, không khí thoáng mát. Hoa thường nở vào tháng 1 – tháng 3 nên từ tháng 11 chúng ta nên chăm sóc kỹ hơn để hoa nở đúng dịp.
Lan Huyết Nhung
Lan Huyết Nhung sở hữu một vẻ đẹp thanh cao, tranh nhã nên ai cũng muốn sở hữu. Hoa Lan Huyết Nhung với tên khoa học là Renathera Lou, ở miền Bắc Việt Nam người ta thường gọi cây này là Lan Phượng Vĩ. Nhìn sơ qua cây lan trông khá giống với hoa phượng quen thuộc, hoa gồm các cánh mọc có khoảng cách thưa, không đan xen vào nhau. Lan Phượng Vĩ có bộ sưu tập màu sắc rất đa dạng: màu đỏ, màu vàng hay màu cam… Dựa vào hình dáng, màu sắc, người ta phân loại thành 4 loại Lan Huyết Nhung:
- Lan Huyết Nhung Giún (Dạ Vỹ): Cây dài từ 2 đến 5m, mọc theo dạng leo ngang. Hoa nở có màu đỏ cam ở cánh đài sau, và màu đỏ đậm xuất hiện ở cánh đài trước. Xung quanh viền bông là màu vàng nổi bật đầy rực rỡ.
- Lan Huyết Nhung Vàng (Hoàng Nhung): Lan Huyết Nhung Vàng có thân cây ngắn hơn lan Huyết Nhung Giún. Đúng như tên gọi, hoa nổi bật với sắc vàng tươi tắn, kết hợp với các chấm tròn li ti màu tím trông tất đẹp mắt.
- Lan Huyết Nhung Trơn (Phượng Vĩ): Dòng này thuộc loại thân dài, kích thước 50 – 60cm. Mỗi năm khi thời tiết chuyển hạ, hoa sẽ nở hoa, có màu vàng đậm, trên mỗi cánh hoa được tô điểm thêm các vết màu đỏ cam rất bé.
- Lan Huyết Nhung Việt: Đây là loài Lan Huyết Nhung đặc hữu Việt Nam tìm thấy ở vùng đá vôi tỉnh Hà Giang, thuộc vùng núi Bát Đại Sơn. Kích thước nhở hơn các loại còn lại, từ 15 – 30 cm. Hoa nở theo mùa, trên mỗi cành hoa nở từ 15 – 20 bông hoa màu cam vàng có pha thêm chút ánh vàng lấp lánh, lá đài có màu đỏ cam. Dòng này khác biệt hơn vì khác biệt vì nhỏ hơn với kết cấu đường nổi trên môi phức tạp.
Lan Lọng Hiệp
Lan Lọng hay Bulbophyllum, là một chi lan với hơn 1800 loài. Việt Nam có 140 giống Lan Lọng, trong đó Lan Lọng Hiệp là một trong những loài được xếp vào hàng cây cảnh quý hiếm và đắt giá. Cây phân bố nhiều tại Gia Lai, Kontum, ĐắkLắk. Ở nước ta cây này còn được gọi là Lan Cầu Diệp Hiệp. Lan Lọng Hiệp có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, nơi có độ cao từ 700 – 1000 m. Lan Lọng Hiệp có đặc điểm sống phụ sinh, thân cây ngắn, mỗi năm thân cây sẽ phình to ra có đường kính trung bình tầm 2 cm.
Thời điểm ra hoa của cây là từ tháng 1 đến tháng 2 hằng năm. Cánh hoa nở có hình mác, dài 3,5 cm và có đầu cánh nhọn tô điểm những chấm li ti màu đỏ tía. Trụ hoa có màu vàng và dài 3 mm có hình mũ. Đây là một trong những loài lan được đánh giá là khó trồng, là một thử thách lớn đối với những tay sành chơi lan. Để tìm kiếm giống Lan Lọng Hiệp tốt cũng là một điều khó khăn, nên chọn những củ tươi không sứt sẹo để trồng.
Lan Hành Averyanov
Lan hành Averyanov là một loài phong lan thuộc chi Bulbophyllum, tên khoa Bulbophyllum averyanovii. Chúng là đặc hữu rất hẹp của Việt Nam, mới chỉ gặp được ở điểm lấy mẫu chuẩn thuộc tỉnh Gia Lai. Giống Lan Lọng Hiệp, Lan Hành Averyanov có đặc điểm sống phụ sinh, có thân rễ mọc lên các thân ký sinh khác nhau và phình lên thành hình gần cầu. Lan Hành Averyanov nằm trong danh sách Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và nhân giống. Cây cho hoa vào tháng 5, cánh hoa nở thành hình tam giác hẹp nhọn đầu, môi hoa cong lạ, ở mặt ngoài có phần nhăn nheo và thô.
Lan Kim Tuyến Sapa
Sapa nổi tiếng là Thành phố mù sương với biết bao cảnh đẹp và đặc sản nổi tiếng. Không chỉ có vậy, vùng đất này còn sở hữu một loài lan quý hiếm có mặt trong Sách Đỏ – Lan Kim Tuyến Sapa. Cây phân bố ở các vách núi, ven sông, nơi có nhiệt độ tương đối thấp, độ ẩm cao, điển hình là vùng núi Tây Bắc, Bạch Mã (Huế). Lan Kim Tuyến Sapa có thân thảo, mọc ở đất, trung bình một cây sẽ có từ 2 – 10 rễ. Điều làm nên đặc biệt ở lá cây có hình trứng, tròn ở phần gốc và nhọn dần về phía ngọn. Lá cây có màu nâu đỏ ở mặt trên, mặt dưới có màu đỏ nhạt. Hoa tự mọc thành chùm ở đầu ngọn thân, trục hoa dài từ 5 – 25cm, mỗi chùm có từ 5 – 10 hoa trắng, hai 2 bên rìa mang từ 5 – 9 râu mỗi bên. Cây lan nở hoa vào tháng 9 – 12 hằng năm, ra quả vào tháng 12 – tháng 3 năm sau.
Lan Sứa Ba Răng
Đây là loài lan đất thuộc các loại hoa lan rừng đẹp nhất Việt Nam. Hiện nay cây được xếp vào danh sách các loài cây quý hiếm và gân như tuyệt chủng. Thân cây không cao, chỉ tầm 12 cm nhưng có lá rất đẹp. Mỗi cây sẽ có 5 – 6 chiếc lá, dài 3 – 5 cm, chiều rộng bằng nửa chiều dài. Cánh hoa màu đỏ nhạt, môi trắng với thùy giữa chẻ đôi rất đặc biệt. Hiện nay cây mới chỉ được tìm thấy ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), còn được biết đến bởi công dụng làm thuốc chữa bệnh rất hữu ích. Lan Sứa Ba Răng là cây thảo, mọc ở đất, có thân bò rồi đứng, cao 10 – 15 cm. Có 3 – 5 lá màu xanh ở mặt trên, mặt dưới rất nhạt, kích thước 3 – 4,5 x 2 – 2,5 cm. Cây thường mọc trong rừng thường xanh trên núi, ở độ cao 800 – 1200 m.
Lan Cầu Điệp Evrard
Lan Cầu Điệp Evrard hay còn được biết đến với cái tên Lan Lọng Đà Lạt. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam, thuộc chi Lan Lọng. Loài lan quý hiếm này có thân nhỏ, tán lá dài và có hoa mọc thành chùm, mỗi chùm gồm 4 – 6 bông. Hình dáng cánh hoa dài, nhọn đầu và vát dần về phía nhuỵ, có màu vàng đẹp mắt. Lan sống ở độ cao khoảng 400 – 1800 m, thường bám trên thân và cành cây gỗ trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh mưa mùa ẩm. Cây phân bố chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, mới chỉ gặp được ở các tỉnh Đắc Lắc (Buôn Ma Thuột) và Lâm Đồng (núi Langbian, Lạc Dương).
Lan Thanh Đạm
Không sở hữu vẻ đẹp rực rỡ đặc sắc, Lan Thanh Đạm mang vẻ đẹp tinh tế, tao nhã nhưng làm say đắm lòng người. Ngắm nhìn loại hoa này khiến con người có cảm giác thanh bình, thư thái. Thuộc loài lan quý hiếm và rất ít những nhà sưu tầm lan có được chúng vì chúng thuộc về thiên nhiên nên rất khó thuần dưỡng. Lan Thanh Đạm có những nhánh lá mềm, xanh đậm với chiều dài khoảng 40cm và rộng 3cm. Lan Thanh Đạm thường nở vào mùa xuân với tiết trời se lạnh và ra khoảng 4 – 6 cặp hoa. Hoa của cây có màu trắng, nhị vàng rất thanh đạm và mộc mạc.
Lan Nhục Sơn Trà
Những người sành chơi lan chắc hẳn sẽ biết đến loài lan mang vẻ đẹp độc đáo và quý hiếm này – Lan Nhục Sơn Trà. Đây cũng là một trong những loài lan rừng quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam. Lan Nhục Sơm Trà được tìm thấy nhiều tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Loài cây này thường mọc trên các thân cây và sinh sống ở độ cao từ 300 – 400 m. Lan Nhục Sơn Trà là loại cây có tiền cũng khó mua được vì chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng và được Ủy ban Bảo vệ Thực vật quan tâm chặt chẽ. Thân cây ngắn, kích thước 7 – 10 cm và có lá hình mác dài 7 – 8 cm, hoa mọc thành từng chùm dài 14 – 15 cm.
Lan Cẩm Báo
Có lẽ ai cũng sẽ muốn sở hữu một loài lan rừng đẹp nhưng dễ trồng, vậy thì Lan Cẩm Báo là một sự lựa chọn tốt nhất. Lan Cẩm Báo nổi tiếng là loại cây dễ trồng và phù hợp với các điều kiện môi trường khác nhau. Cây còn có tên gọi khác là Lan Da Báo, tên khoa học là: Hgrochilus parishii. Chúng có nguồn gốc từ Myanmar và ngày nay được tìm thấy ở nhiều nơi khác trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam,… Ở nước ta, có thể tìm thấy Lan Da Báo ở các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Phú Thọ,… Loài lan này được xếp vào danh sách lan rừng quý hiếm và được săn đón nhiều nhất bởi hoa văn trên cánh hoa trông giống như da báo.
Lan Da Báo có đặc điểm sống phụ sinh, thân đơn, dẹt và thẳng. Kích thước thân khá nhỏ và ngắn, thân dài 20 – 30 cm, tuỳ vào điều kiện môi trường mà thân sẽ có màu xanh hoặc xanh vàng. Đặc biệt Lan Da Báo sở hữu những chiếc lá khá dài, từ 10 – 20 cm, rộng 4 – 6 cm và có cổ lá hình chữ V. Rễ của cây thường mọc giữa thân và nách lá, có màu trắng ngà, đầu rễ màu xanh tím hoặc xanh trắng. Phần đẹp nhất là hoa Lan Da Báo, hoa mọc theo chùm dài 40 – 45 cm, trên những cánh hoa tô điểm vết lốm đốm và có hương thơm đặc biệt.
Lan Mỹ Dung Dạ Hương
Mỗi loài hoa đều sở hữu cả hương lẫn sắc, riêng Lan Mỹ Dung Dạ Hương lại có hương thơm không có bất kỳ loài hoa lan nào có thể so sánh được. Với vẻ đẹp kiêu sa, thiết tha, Lan Mỹ Dung Dạ Hương được mệnh danh là “đệ nhất hương lan rừng”. Mỹ Dung Dạ Hương hay Vanda denisoniana, nguồn gốc từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Cây ưa sáng, sống trong môi trường có độ ẩm cao và có nhu cầu phân bón cao.
Cây có kích thước lên đến 1 m, lá mọc hai bên dài 30 – 40 cm và rộng 3 – 4 cm. Hoa mọc thành chùm, mọc ở nách lá thứ 6, 7 và thưởng nở vào mùa xuân, đầu mùa hạ. Phát hoa đứng thẳng và không phân nhánh. Mỹ Dung Dạ Hương là loài lan có hoa mọc to và bền, độ bền của hoa tỷ lệ nghịch với độ dày của cánh hoa. Hoa có màu vàng xanh, một số có màu vàng cam và toả hương vani thơm ngọt. Bên cạnh đó hoa màu cam cũng rất đẹp và được ưa chuộng. Trong đó hoa màu vàng sậm hoặc nâu đậm được coi là một biến dạng Vanda denisoniana var. hebraica, cũng có người cho là Vanda brunei.
Lan Cattleya
Lan Cattleya hay Cát Lan loại lan rừng phổ biến trong giới chơi lan hiện nay, được hàng quý, rất đẹp và đa dạng màu sắc. Hoa Lan Cattleya là loài hoa nhập ngoại có xuất xứ tại Tây Ấn và Mexico. Tùy vào từng khu vực mà hoa của chúng cũng có những màu khác nhau như: đỏ, trắng, vàng, hồng. Đây là giống lan đẹp và được xem như là nữ hoàng của các loài lan. Hiện nay có khoảng 60 loại Cát Lan chính và nhiều loại được con người lai tạo. Trước đây giống lan này thường có giá khá đắt do vậy rất kén người chơi. Cho tới khi thị trường bắt đầu xuất hiện các cây được cấy mô và lai tạo, nhập khẩu thì giá thành cũng dễ chịu hơn trước nhiều.
Cát Lan chia thành 2 nhóm chính đó là nhóm 1 lá và nhóm 2 lá. Lan Cattleya tuy đẹp nhưng có nhược điểm là hoa mau tàn, hoa có mùi rất thơm.
Cát Lan là loài thực vật đa thân, thân mập mạp và có nhiều hành giả xung quanh, cũng rất mọng nước. Lá cây có kích thước lớn, có hình bầu dục và mọc hướng lên trên. Bên cạnh đó, hoa Cát Lan có vẻ đẹp vô cùng rực rỡ và ấn tượng. Hoa có 3 – 5 cánh xoè rộng thường nở vào cuối xuân đầu hè. Những bông hoa nào có màu trắng, tím, hồng có hương thơm ngào ngạt. Còn cây có hoa màu vàng hoặc xanh sẽ ít thơm hơn. Với loại cho bông màu đỏ không thơm hoặc thơm rất ít.
Lan Hoàng Thảo Bạch Hoả Hoàng
Lan Hoàng Thảo Bạch Hoả Hoàng hay còn gọi là Hoàng Thảo Đốm Đỏ, Bạch Hoả Hoàng, Thạch Hộc Lùn,… Đây là loài lan thuộc chi Hoàng Thảo cùng loại với Hoàng Thảo Kèn. Cây phân bố trong dãy Himalaya, Nam Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam trên núi chính ở độ cao 700 – 2100 m. Loại cây này phù hợp với khí hậu miền Nam nhất là Tây Nguyên, còn miền Bắc thì không hợp để trồng. Đây là một loài lan rừng hiếm được ghi tên vào sách đỏ Việt Nam năm 1996.
Loài lan này có kích thước nhỏ, ít hoa. Hoa có cánh trắng, môi đỏ và nở vào khoảng tháng 2, 3. Hoa khá bền, nở từ khoảng 25 – 30 ngày sẽ tàn. Chúng sống phụ sinh bám trên cây gỗ hoặc giá thể. Với vẻ đẹp độc đáo, màu sắc ấn tượng nên Bạch Hoả Hoàng rất được giới chơi lan ngưỡng mộ. Những bông hoa với sắc trắng tinh khiết, điểm thêm một chút màu đỏ, vàng là sự phối hợp hoàn hảo giữ bạch (trắng) và hoả (lửa, tượng trưng cho màu đỏ), hoàng (vàng).
Lan Hoàng Thảo Tam Đảo
Không chỉ có lan rừng nổi tiếng nước ngoài mới gọi là đẹp và chơi nhiều. Ở Việt Nam cũng có nhiều giống lan quý được bảo tồn và sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời không gì sánh bằng. Trong đó Lan Hoàng Thảo Tam Đảo, là loài đặc hữu Việt Nam và được xếp vào hàng quý cần được bảo tồn. Thuộc nhóm cây phụ sinh, kích thước 30 – 50 cm, lá hình mác. Hoa thường mọc trên thân không còn lá hoặc lá đã rụng hết. Cánh hoa hình trứng có đỉnh nhọn, môi hình phễu có 3 thuỳ màu vàng tươi rất đẹp. Cây lan ra hoa vào tháng 4 – 6.
Lan Kiến Cò
Habenaria rhodocheila hay Lan Kiến Cò, là loài lan tuỳ không có tên mỹ miều như các loài khác nhưng có hình dáng rất đẹp và bắt mắt. Chúng là loài địa lan hay mọc ở hốc đá, rừng ven suối từ Bắc xuống Nam. Lan Kiến Cò không sống trong vùng đất khô cằn, sẽ mọc sau những cơn mưa xuân. Cây ưa ẩm nên nếu trồng trong nhà thì bạn phải liên tục duy trì độ ẩm cho cây. Lan Kiến Có sở hữu thân cao từ 10 – 30 cm, lá tròn hay dài thon và mỏng nhăn ở mép. Hoa của loại cây này có nhiều màu sắc như gạch tôm, vàng, hồng,… Môi dài 2 cm có thùy hơi tròn, thùy giữa chia đôi; móng dài 4 – 5 cm.
Lan Ý Thảo
Lan Ý Thảo hay còn được gọi với tên gọi khác là Lan Hoàng Ý Thảo, Ý Thảo 3 màu và có danh pháp khoa học là Dendrobium gratiosissimum. Loài lan này được đánh giá là loài hoa quý và đẹp, có màu sắc nổi bật. Cây được tìm thấy ở nhiều khu vực như Hải Nam Trung Quốc, Assam Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Myanma. Ở nước ta cây Lan Ý Thảo trong tự nhiên xuất hiện tại các tỉnh như Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng.
Cách nhận biết loại cây này là thân tròn và phân đốt, mọc thành cụm và thân thòng xuống dưới. Kích thước của cây dài 25 – 40 cm. Hoa lan ý thảo mọc thành cụm gần các đốt ở phần trên của thân không có lá. Mỗi cụm hoa thường có 1 đến 4 hoa hoa lộn ngược lại. Màu sắc chủ đạo của hoa là màu trắng đến tím nhạt, trên chóp có màu tím. Trồng Lan Ý Thảo cũng tương tự như cách trồng các loài Hoàng Thảo khác, cây thường được trồng chậu hoặc ghép trên gỗ lũa.
Lan Đơn Hành 2 màu
Nếu đam mê lan rừng thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua Lan Đơn Hành 2 màu với hình dáng bắt mắt và màu sắc độc đáo. Lan Đơn Hành 2 màu hay còn gọi là Đơn Hành Lưỡng Sắc, tên khoa học là Monomeria dichroma (Rolfe) Schlechter. Loài lan này phân bố ở Cao Bằng, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Kontum,… Đây là loài lan đặc hữu Việt Nam, nguồn gen quý hiếm và có giá trị làm cảnh. Cũng giống như các loại lan rừng khác, Đơn Hành Lưỡng Sắc sống phụ sinh trên cây gỗ, thân rễ. Lá cây thuôn dài, thót dần và có khía nôn ở định. Hoa mọc cụm dài 25 – 40 cm, mang hoa ở nửa trên. Hoa màu vàng nhạt, cánh hoa hình tam giác, đỉnh nhọn, có răng hay diềm tua ở mép.
Lan Hoàng Thảo Báo Hỷ
Lan Hoàng Thảo là dòng hoa lan đứng thứ hai trong họ nhà lan, chúng mang vẻ đẹp của sự sang trọng, trang nhã và có hương thơm quyến rũ khiến bất kỳ ai cũng say mê. Có nhiều nơi đã nghiên cứu và chọn ra 15 loại Hoàng Thảo được nhiều người yêu thích và cần được phát triển mạnh, trong đó gồm có Lan Hoàng Thảo Báo Hỷ. Lan Báo Hỷ hay Den. secundum là một loại cây đẹp, có ý nghĩa đem đến tin vui, niềm vui cho mọi nhà. Chúng là loài lan rừng thường gặp ở rừng thưa có cao độ thấp. Cây mọc chụm với nhiều giả hành cao khoảng 30 – 60 cm. Cây có lá mỏng xếp thành 2 hàng. Hoa hình ống, cao khoảng 2cm to khoảng 0,5cm. Lá đài và cánh hoa có màu tím hồng trong khi môi hoa có màu vàng cam rất tươi sáng.
Lan Kiều Hồng
Đây là một trong những loài lan quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo tồn. Lan Kiều Hồng hay còn được gọi là Lan Kiều Tím, Kiều Tím Miền Trung, Thuỷ Tiên Hường… Tên khoa học: Dendrobium amabile. Cây phân bố tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Trong đó có Lan Kiều Tím lá đột biến rất đẹp và giá thành cũng cao. Kiều Tím là loại cây có bộ rễ khỏe, thân trữ nước nên khá dễ trồng. Cây có thân cứng hình tròn màu xanh đen, khi trưởng thành có thể có kích thước dài khoảng 80cm với các rãnh chạy dọc thân. Thân cây già sẽ có phần nhăn nheo nhưng vẫn duy trì được hình dáng đẹp của nó. Lan Kiều Hồng nổi bật với những chùm hoa to và đẹp, hoa có 5 cánh tím đặc trưng.
Lan Mật Khẩu Bì Đúp
Có một số loài lan rừng ngày nay suy giảm nghiêm trọng và đứng trên bờ vực tuyệt chủng do nạn phá rừng, khai thác bừa bãi. Trong đó, Lan Mật Khẩu Bì Đúp là lan rừng đặc hữu Việt Nam đẹp và quý hiếm cần được bảo tồn. Loài đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “hiếm” (Bậc R). Cây phân bố ở Lâm Đồng (Langbian, Bidoup). Cây thuộc thân thảo mập, sống bám trên cây trong rừng thưa, ở độ cao 200 – 1500 m. Chúng mọc hoa thành cụm trên đỉnh, hoa rất nhiều (khoảng 1000 hoa), cánh hoa nhỏ và xếp xít lại với nhau, không vặn ngược. Môi màu trắng, miệng cựa có vành lông.
Lời kết
Lan được coi là “vương giả hương”, tức là vua của các loại hương. Tuy nhiên lan rừng không chỉ có hương mà còn có sắc. Mỗi loại hoa đều mang những nét đẹp riêng và những giá trị không phải loại cây nào cũng có. Trồng lan là một đam mê rất đỗi tao nhã nhưng không kém phần tinh tế và thời thường. Nói trồng lan là đam mê vì những người trồng lan theo phong trào không bao giờ hiểu được vẻ đẹp và những giá trị thực sự của chúng, huống chi là tìm hiểu và chơi các loại lan rừng. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu thêm về các loài lan đẹp và quý hiếm.
Xem thêm: