Tưới nhỏ giọt những năm gần đây đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ những người nông dân, người làm vườn, đến cả những gia đình nhỏ trồng cây trên ban công, sân thượng. Đây là một phương pháp tưới rất tối ưu, giúp tiết kiệm nước, công sức và đem lại nhiều lợi ích khác. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về hệ thống tưới tự động này, bao gồm định nghĩa, những ưu điểm, nhược điểm và cả những cách ứng dụng thực tế.
Tưới nhỏ giọt là gì?
Phương pháp tưới nhỏ giọt trong tiếng anh là Drip Irrigation, và một hệ thống tưới nhỏ giọt trong tiếng anh gọi là Drip Irrigation System.
Về lý thuyết, tưới nhỏ giọt là việc cung cấp nước chậm và có kiểm soát trực tiếp đến vùng rễ cây thông qua các đầu tưới nhỏ giọt hoặc các ống tưới có đục lỗ nhỏ giọt.
Những ưu và nhược điểm của tưới nhỏ giọt
Ưu điểm của tưới nhỏ giọt
- Nước tưới có thể được sử dụng ở mức hiệu quả tối đa và lượng nước thất thoát có thể được giảm thiểu đến mức tối thiểu;
- Giảm nguy cơ xói mòn đất do tác động của nước tưới được giảm thiểu đến mức thấp nhất;
- Phân bón và chất dinh dưỡng có thể được sử dụng với hiệu quả cao; vì nước được bón cục bộ và giảm rửa trôi, giảm thiểu thất thoát phân bón / dinh dưỡng (giảm nguy cơ ô nhiễm nước ngầm);
- Sự phát triển của cỏ dại bị giảm do nước và chất dinh dưỡng nước chỉ được cung cấp cho cây trồng;
- Tác động tích cực đến sự nảy mầm và phát triển năng suất của hạt;
- Chi phí vận hành thấp do giảm nhu cầu lao động, đặc biệt là chi phí năng lượng có thể giảm do tưới nhỏ giọt được vận hành với áp suất thấp hơn so với các phương pháp tưới khác.
- Ngăn ngừa bệnh về nấm,.. bằng cách hạn chế nước tiếp xúc với lá, thân và quả của cây.
- Giảm sức lao động, thời gian và tiền bạc vì hệ thống có thể tự động hóa
Nhược điểm của tưới nhỏ giọt
Ngoài những ưu điểm và lợi ích của tưới nhỏ giọt đã được nêu trê, phương pháp này cũng có những nhược điểm nhất định như:
- Yêu cầu chi phí đầu tư ban đầu cao;
- Yêu cầu vốn thường xuyên để thay thế thiết bị tưới nhỏ giọt trên bề mặt (hư hỏng do thiết bị di chuyển, bức xạ tia cực tím);
- Bộ phát tưới nhỏ giọt dễ bị tắc và rối loạn chức năng (cần có bộ lọc nước, xả nước thường xuyên hệ thống ống);
- Yêu cầu kỹ năng cao về quản lý nước tưới để đạt được sự phân phối nước tối ưu;
- Nguy cơ nhiễm mặn đất.
Các phương pháp tưới nhỏ giọt
Một hệ thống tưới nhỏ giọt có thể được đặt trên bề mặt đất hoặc được chôn ngầm dưới đất. Mỗi phương pháp này đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Hệ thống ống tưới nhỏ giọt được chôn ngầm
Hệ thống ống tưới được chôn ngầm sẽ được bảo vệ tốt hơn tránh khỏi sự dẫm đạp hoặc máy cắt, hoặc các yếu tố ngoại cảnh khác.
Tuy nhiên, hệ thống cũng có thể gặp phải sự tấn công của chuột hoặc các loài côn trùng khác. Khi có hư hỏng xảy ra, việc phát hiện và sửa chữa cũng thường khó khăn hơn.
Hệ thống tưới nhỏ giọt trên mặt đất
Đây là hình thức phổ biến nhất và dễ ứng dụng nhất. Người ta có thể sử dụng các ống nhỏ giọt đặt thẳng hàng trên mặt đất hoặc quấn quanh gốc, hoặc phát nước bởi đầu phát nhỏ giọt ghim thẳng vào bầu đất. Phương pháp này mang đến sự linh hoạt rất cao, chi phí đầu tư cũng nhẹ hơn. Tuy nhiên, vì hệ thống được đặt ở bên ngoài, nên dễ bị vỡ, nứt, hoặc bị côn trùng cắn phá.
Các phương pháp tưới nhỏ giọt thủ công, DIY
Ngoài các hệ thống tưới nhỏ giọt trên bề mặt hoặc chôn dưới đất mà bạn vừa nghe, còn có những phương pháp DIY khác. Chẳng hạn như, tưới nhỏ giọt qua ống truyền dịch, qua chai nhựa,…Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể sử dụng với các chậu cây nhỏ và các vườn có ít cây. Hơn nữa, tưới kiểu thủ công, DIY chỉ là một phương pháp chữa cháy tạm thời, bởi ta hầu như không thể kiểm soát lượng nước tưới hay chủ động thời gian tưới.
“Nếu bạn muốn tìm một giải pháp tưới tự động cho sân vườn, ban công, sân thượng nhỏ, hãy chọn mua các bộ KIT tưới mini. Với giá chỉ từ vài trăm nghìn, các bộ tưới này cung cấp cho bạn một hệ thống tưới thu nhỏ, nhưng hiệu năng cao, có thể kiểm soát lượng nước tưới. Và hơn hết, một bộ KIT cũng dễ dàng mở rộng khi bạn muốn trồng nhiều cây hơn, hoặc kết hợp với bộ hẹn giờ tưới tự động.
Hệ thống tưới nhỏ giọt phù hợp với cây nào?
Tưới nhỏ giọt là phương pháp có khả năng ứng dụng cao, thích hợp với nhiều loại cây tại nhiều điều kiện môi trường khác nhau.
Trong nông nghiệp tại Việt Nam, phương pháp tưới này đã được ứng dụng để trồng tiêu, cây cà phê, trồng nho, dưa lưới,..Ngoài ra, đây còn là giải pháp tưới được ưa chuộng trong giai đoạn ươm giống cây con, trồng rau theo hàng, trồng lan trong nhà kính hoặc trồng hoa hồng
Không chỉ được ứng dụng tưới nông nghiệp, phương pháp tưới nhỏ giọt còn được sử dụng trong tưới cảnh quan, ban công, sân thượng, hoặc thậm chí cả vườn tường, vườn đứng.
Hệ thống tưới nhỏ giọt cho cảnh quan thường bao gồm những thiết bị gì?
- Đầu nhỏ giọt hoặc ống nhỏ giọt. Là thiết bị quan trọng nhất – thiết bị đầu ra cuối cùng. Nước sẽ thoát ra từ đầu nhỏ giọt, ống nhỏ giọt làm ướt đất vùng quanh bộ rễ của cây trồng.
- Hệ thống đường ống dẫn nước. Để dẫn nước từ vòi nước ra ngoài vườn, đến từng gốc cây. Thường thì chúng ta sử dụng đường ống mềm LPDE (loại ống có đường kính 16mm, hoặc 20mm, có màu đen hoặc nâu).
- Thiết bị đấu nối. Đây là thiết bị kết nối đường ống với nguồn nước, đường ống với thiết bị tưới nhỏ giọt.
- Bộ hẹn giờ tưới & van điện từ. Đây là thành phần quan trọng giúp hệ thống tưới có thể tự động hóa. Thiết bị tường bao gồm thiết bị điều khiển có thể cài đặt thời gian đóng mở van; và hệ thống các van điện từ (van nhận lệnh đóng mở từ bộ điều khiển). Tùy vào quy mô của vườn, có vườn chỉ cần 1 van thì nên sử dụng bộ hẹn giờ tích hợp sẵn bộ điều khiển và van vào 1 (timer); với những vườn cần từ 2 van trở lên thì dùng thiết bị bộ điều khiển (controller) và các van tách rời.
Ngoài ra, một hệ thống tưới nhỏ giọt còn có thể bao gồm các tính năng bổ sung, chẳng hạn như bể chứa, bộ lọc và thiết bị tưới phân.
Xem thêm:
Hệ thống tưới nhỏ giọt cảnh quan – Mua các phụ kiện cần thiết để lắp đặt
Chi phí lắp đặt một hệ thống tưới nhỏ giọt như thế nào?
Chi phí lắp đặt một hệ thống tưới tự động sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Chất Lượng Hệ Thống Tưới
- Diện tích tưới
- Mật độ cây trồng
Để biết thêm những yếu tố cần quan tâm khi thiết lập một hệ thống tưới, bạn có thể tham khảo tại liên kết trên.
Song song với đó, bạn có thể tham khảo những ước lượng sau để tham khảo về chi phí của hệ thống tưới một cách đơn giản nhất:
Lắp một hệ thống tưới cho nhà màng trồng dưa lưới khoảng 5-6 triệu đồng. Hệ thống tưới cho 500 cây, tương đương với khoảng 10-12k cho một gốc dưa lưới
Lắp một hệ thống tưới rau trồng chậu trên ban công sân thượng khoảng có chi phí khởi điểm từ 400k để mua trọn bộ kit tưới, hoặc mua các vật tư đơn lẻ để ghép thành hệ thống. Nếu bạn thường xuyên bận rộn hoặc đi vắng, có thể cân nhắc thêm bộ hẹn giờ tưới, chi phí tăng thêm khoảng từ 1 triệu 3 đến 2 triệu tùy dòng máy. Chúng ta đã có bài viết chi tiết về cách tính giá cho một hệ thống tưới cho ban công, sân thượng, bạn có thể nhấp vào liên kết để xem thêm.
Tuy nhiên, việc ước lượng giá để lắp một hệ thống như trên chỉ mang tính tham khảo. Nếu bạn có nhu cầu lắp đặt hệ thống tưới cho sân vườn, ban công, hoặc các cảnh quan, hãy liên hệ …. Chúng tôi có đội ngũ chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ và tư vấn cũng như báo giá một cách chi tiết nhất.
Hướng dẫn sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt hiệu quả
Thiết lập thời gian tưới
Khi cây trưởng thành, chúng có thể cần nhiều nước hơn. Thời gian tưới nước có thể được kéo dài để đáp ứng những nhu cầu đó. Cùng với đó, ta nên bổ sung nhiều vòi nhỏ giọt hơn để che phủ khu vực rễ của cây (thường được gọi là tưới nhỏ giọt quấn quanh gốc). Ngoài ra, trong quá trình trồng, có thể có các cây mới được thêm vào cảnh quan. Vì vậy hãy để lại một số khoảng trống trong thiết kế tổng thể để hệ thống có thể tải thêm 20-30% dung tích nước khi cần mở rộng.
Điều chỉnh đầu tưới dựa vào loại đất
Loại đất ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của dòng nước. Việc xác định loại đất phù hợp sẽ giúp bạn điều chỉnh đầu tưới phù hợp.