Trong các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Israel, cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Israel (Bộ Ngoại giao – MACHAV), Bộ Ngoại giao Israel đã khởi xướng một gói tài trợ đặc biệt cho Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Chiều ngày 01/2, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chính thức khai trương hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ cao Israel.
Nói đến Israel, không ai không biết rằng đây là một quốc gia có nguồn nước khan hiếm, thế nhưng nền nông nghiệp của họ lại rất phát triển. Đó là nhờ áp dụng trong nông nghiệp là một nền nông nghiệp công nghệ giá trị cao, là giải pháp cho một nền nông nghiệp tiên tiến. Việc hợp tác, phát triển cùng Israel là một cơ hội cho Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm trong việc ứng dụng công nghệ này.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cảm ơn Chính phủ, Nhà nước Isarel và cá nhân Ngài Đại sứ Nadav Eshcar những năm qua có nhiều hợp tác thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp với Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá cao về mô hình tưới nhỏ giọt tự động này của Israel, coi đây là bước đột phá trong nông nghiệp công nghệ cao. Với Việt Nam, mặc dù lượng nước từ các con sông chính đổ vào và lượng mưa hàng năm không phải là ít nhưng không có nghĩa chúng ta không có nguy cơ thiếu nước tưới. Do đó ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ là bước tiến xa cho sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ cao Israel là mô hình hệ thống tưới đã được lập trình để có thể tự động hóa và tưới nhiều chế độ khác nhau, giúp tiết kiệm nước. Hệ thống còn chứa những ưu điểm như có thể kết hợp tưới nước và phân bón ở dạng hòa tan hòa toàn. Ngoài ra, việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp giảm bớt tình trạng cỏ dại mọc quanh gốc cây và sâu bệnh vì nước tưới chỉ làm ẩm quanh gốc cây. Việc này có ý nghĩa giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Tính đến nay, tại Việt Nam đã nỗ lực và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đáp ứng được 150.000 ha trong đó Lâm Đồng có 45.000ha tưới bằng công nghệ này. Mục tiêu của Việt Nam đến 2020 có khoảng 500.000ha diện tích được tưới nhỏ giọt. Trong suốt quá trình thực hiện, phía Việt Nam luôn nhận được sự hợp tác giúp đỡ của Isarel.
Theo TS Vũ Thanh Hải – Bộ môn Rau, hoa quả và cảnh quan – Học viện Nông nghiệp cho biết, ưu điểm của hệ thống này so với những hệ thống tương tự trên thị trường là dù vòi chảy cách xa máy bơm thì lượng nước chảy vẫn đều nhau. Hệ thống đồng bộ từ điều khiển, kết nối nên khi lắp đặt rất nhanh gọn, có thể triển khai vài ha trong thời gian ngắn.
Tại Học viện nông nghiệp Việt Nam, sinh viên thực sự rất hứng thú với mô hình này. Họ khám phá đo nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng,… trong mỗi gốc cây, chăm chú lắng nghe những chia sẻ, cuộc trò chuyện giữa ông Yuval Fuchs – Phó tổng Giám đốc, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Israel cùng cán bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Ông Nadav Eshcar – Đại sứ Israel tại Việt Nam cho biết, ngoài mục đích xây dựng mô hình trình diễn tưới nhỏ giọt và bón phân tự động ứng dụng hoàn toàn công nghệ hiện đại của Israel giúp các sinh viên chuyên ngành nông nghiệp có điều kiện tiếp cận và thực hành trực tiếp trên những mô hình và phương thức đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời dự án còn hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, đóng góp cho việc hợp tác trong học thuật giữa hai quốc gia.
Theo ông, Nadav Eshcar hiện nay Việt Nam đang đối mặt với biến đổi khí hậu làm cho nguồn nước ngày càng khan hiếm, việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này sẽ làm tối thiểu hóa tình trạng thiếu nước và đồng thời sử dụng nước một cách hiệu quả hơn. Hệ thống này không chỉ giúp các thầy cô, các học sinh tiếp cận công nghệ mới mà sẽ là mô hình để mở rộng, phát triển rộng hơn ở Việt Nam.
Tại lễ khai trương, ông Yuval Fuchs – Phó tổng Giám đốc, Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Israel (Bộ Ngoại giao – MACHAV) cũng bày tỏ mong muốn các giáo viên, học sinh của Học viện sẽ có cơ hội sang học tập và làm việc tại Israel và cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn Việt Nam.
Nguồn: tổng hợp