Khi chọn chậu, bên cạnh chất liệu chậu trồng cây là gì, chúng ta còn quan tâm đến kích thước. Một chiếc chậu có kích thước hợp lý sẽ giúp cây trồng phát triển thuận tiện. Không những thế, chúng còn góp phần khiến cho không gian trồng cây của ta trở nên cân đối, hài hòa hơn.
Chậu trồng cây thường được đo lường bởi hai yếu tố: đường kính và chiều cao. Ngoài ra, để xác định chiếc chậu có phù hợp với cây bạn đang dự định trồng hay không, còn phụ thuộc vào yếu tố của cây: đường kính và chiều cao bầu rễ, chiều cao của cây.
Vậy chúng ta cùng đi vào yếu tố đầu tiên: Xác định kích thước của cây
Kích thước của cây được xác định bằng 3 yếu tố:
Đường kính bầu rễ: đo lường độ rộng của rễ hiện tại. Nếu chọn chậu, bạn cần xác định độ rộng dựa vào đường kính bầu rễ
Chiều cao bầu rễ: đo lường độ đâm sâu của rễ cây hiện tại, cũng là yếu tố để lựa chọn chiều cao cho chậu
Chiều cao cây: chiều cao cây cũng là yếu tố quan trọng khi chọn chậu. Một cái cây quá cao trồng trong một cái chậu quá thấp sẽ khiến cây dễ ngã đổ. Còn nếu ngược lại, thì trông sẽ mất cân đối và thiếu thẩm mỹ.
Tiếp theo, chọn chậu có kích thước chính xác phù hợp với cây
Xác định đơn vị đo chậu:
Ở nhiều nơi khác nhau, người ta cũng thường sử dụng những đơn vị đo lường khác nhau. Sau đây là những đơn vị đo lường thường gặp theo kinh nghiệm của Ban Công Xanh:
- Cm: Đây là đơn vị phổ biến nhất tại Việt Nam, thường đo lường đường kính và chiều cao của chậu.
- Lít (1 lít = 1dm3): Đây là đơn vị để đo thể tích chậu, cũng như dựa vào đây, bạn cũng có thể xác định lượng đất cần sử dụng cho chậu.
Các đơn vị đo chậu ít phổ biến hơn:
- Inch: 1 inch bằng khoảng 2,54cm. Đơn vị đo này phổ biến ở Mỹ hoặc các nước châu Âu.
- Gallon: đơn vị này có sự khác nhau ở Mỹ và Anh. Một Gallon Mỹ (US gallon) = 3,78 lít, còn một Gallon Anh (UK Gallon) = 4,54 lít, tức bằng khoảng 1,2 Gallon Mỹ.
Nếu chọn mua chậu nhập khẩu từ nước ngoài, bạn sẽ thường gặp hai loại đơn vị này
Kinh nghiệm chọn chậu
Xác định đường kính bầu rễ. Sau đó so sánh kích thước này với đường kính mở của chậu để đảm bảo nó đủ lớn để chèn bầu cây vào.
Mẹo: Chọn một chậu trang trí có đường kính mở lớn hơn khoảng 1cm so với kích thước của chậu trồng cây. Đối với những cây lớn hơn (trên 24cm), bạn có thể chọn chậu có đường kính mở lớn hơn hẳn 2-3cm.
Tiếp tục so sánh với đường kính chậu.
Mẹo: Đường kính chậu chỉ nên to hơn bầu rễ khoảng 5-6 cm (có thể to hơn nếu bầu rễ cây lớn hơn 25cm)
(xem sơ đồ bên dưới).
Kiểm tra chiều cao chậu trồng. Kiểm tra xem chậu trồng của bạn có đủ cao để giấu chậu trồng cây không nếu bạn không đặt lại chậu trực tiếp vào chậu trồng.
Mẹo: Chiều cao của chậu trồng có thể cũng cần cao hơn chiều cao bầu rễ ít nhất 4-5cm. Đối với cây cao, bạn còn phải lưu ý thêm chiều cao của cây. Nên chọn chậu có chiều cao bằng khoảng ⅓ chiều cao của cây để có tổng thể cân đối hơn.
Một số câu hỏi thường gặp khi lựa chọn kích thước chậu trồng cây
Có phải chậu càng to càng tốt cho cây?
Điều này không đúng. Mặc dù ta được khuyên rằng nên chọn một chiếc chậu đủ to để rễ cây có không gian phát triển. Tuy nhiên, một cái chậu quá to so với cây đồng nghĩa là có quá nhiều đất. Nhiều đất sẽ dẫn đến việc giữ nước nhiều hơn và lâu hơn. Điều đó có thể gây hại cho cây của bạn, dễ khiến cây bị úng rễ.
Chọn chậu trồng cây thủy sinh có tương tự như chậu trồng đất?
Câu trả lời là tương tự. Khi chọn chậu trồng cây thủy sinh, bạn cũng cần đảm bảo các yếu tố về đường kính, chiều cao,.. Chọn chậu thủy sinh thậm chí còn đơn giản hơn vì bộ rễ của cây thủy sinh thường phát triển nhỏ hơn trồng đất và rất dễ ước lượng.
Xem thêm bài viết cùng chủ đề:
Liệu cây có thể sống trong chậu trồng không lỗ thoát nước?
Chậu composite trồng cây và những điều cần biết
Ưu điểm chậu nhựa trồng cây so với các chất liệu khác là gì?
Chậu trồng cây bằng đất nung có ưu, nhược điểm gì?
Ưu, nhược điểm của chậu trồng cây bằng kim loại và cách khắc phục