Hoa hồng vốn là loại hoa được “nuông chiều và yêu thương” trong thế giới vạn màu đa sắc của các loài hoa. Dạo bước trong khu vườn tỏa hương thơm ngát từ những cánh hồng là niềm mong ước của rất nhiều người. Nếu bạn cũng ở trong số đó, hãy tham khảo “Những điều cần biết khi “Giâm cành hoa hồng” để sớm trở thành chủ nhân của một vườn hồng rực rỡ.
1. Tại sao chúng ta luôn yêu thích hoa hồng?
Như bạn đã biết, mỗi màu sắc thuộc giống hoa hồng đều mang ý nghĩa riêng. Hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu, hồng vàng đại diện cho tình bạn, hồng trắng thể hiện sự tinh tế, thuần khiết,…
Chính vì sự đa dạng trong ý nghĩa mà hoa hồng rất được ưa chuộng trong nhiều dịp, đặc biệt là các ngày như Valentine, Ngày Phụ Nữ Việt Nam, ngày cưới,…Do vậy mà ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ, hoa hồng còn mang lại giá trị kinh tế không hề nhỏ.
2. Tổng quan về giâm cành hoa hồng
Giâm cành là một kỹ thuật thường xuyên sử dụng trong trồng trọt. Nó được thực hiện bằng cách lấy một đoạn trong thân của cây “chủ thể” (bao gồm chồi hoặc mắt), cắt chéo hai đầu và đem cắm xuống đất. Cách lấy cành giâm hoa hồng tương tự như các loài thực vật khác.
Tuy nhiên, riêng hoa hồng sẽ có ba giai đoạn sinh trưởng thích hợp để lấy cành giâm.
Giai đoạn 1: Giâm cành bằng gỗ mềm
Đây được đánh giá là thời điểm cây dễ sống và phát triển nhất. Người trồng sẽ lấy cành giâm vào thời gian cuối xuân, đầu hè. Ở thời điểm này, thân cây mềm, dẻo do mới bắt đầu quá trình trưởng thành.
Giai đoạn 2: Giâm cành bằng thân gỗ bán cứng
Cành giâm ở độ tuổi này thường được cắt vào cuối hè, đầu thu. Đặc điểm của cành này là đã sinh trưởng một phần cũng như sắp đón đợt hoa tiếp theo.
Giai đoạn 3: Giâm cành với thân trưởng thành – thân gỗ cứng
Đoạn giâm này xuất phát từ những cây hoa sinh trưởng đã lâu, phần thân cứng cáp và rơi vào thời kỳ ngủ đông. Nếu chọn cành giâm từ cây thân gỗ cứng, cây sẽ gặp khó khăn khi sinh trưởng rễ.
3. Những điều cần biết khi giâm cành hoa hồng
Có khá nhiều cách để trồng hoa hồng, trong đó sử dụng cành giâm được xem là phương pháp phổ biến và hiệu quả. Cách thức này không quá khó để thực hiện, chỉ cần bạn tuân theo một vài quy tắc trong quá trình giâm cành, trồng hoa.
Chuẩn bị đất trồng hoa hồng và vị trí trồng
Đầu tiên, bạn cần lựa chọn vị trí để hoa. Người trồng có thể cắm cành giâm trực tiếp vào đất hoặc vào chậu. Nếu dự tính trồng hoa trong chậu, bạn đổ đất khoảng 1/2 chậu, nếu trồng dưới đất, bạn đào lỗ khoảng 15cm.
Đối với đất trồng hoa hồng, bạn cần sử dụng đất đã được cấp ẩm, có độ tơi xốp nhất định để cây dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng. Ngoài ra, hãy trộn thêm cát để tăng khả năng sống của cây nếu đất trồng có đặc tính cứng.
Điều cần lưu ý là vị trí trồng hoa hồng bằng cành giâm cần phải có ánh sáng dịu nhẹ, tránh ánh nắng trực tiếp.
Kỹ thuật giâm cành hoa hồng
Dụng cụ cần chuẩn bị
- 1 con dao sắc
- 1 xô nước ấm
- Dung dịch tạo rễ cây
- Cành giâm hoa hồng. Nên lấy cành giâm vào buổi sáng khi cây đã được cung cấp đủ nước.
Cách tiến hành
Lấy một phần thân từ cành chủ, cắt bỏ hai đầu theo góc 45 độ, mỗi đầu khoảng 2cm, đồng thời cạo bớt lớp vỏ bên ngoài ở khu vực vừa cắt. Sau khi cắt, ngay lập tức ngâm cây vào xô nước ấm đã chuẩn bị. Đây là bước quan trọng để cây dễ dàng tiếp xúc với dung dịch kích thích phát sinh rễ.
Chia nhỏ cành giâm vừa cắt thành các đoạn, mỗi đoạn đều có ít nhất 4 mắt lá. Ngắt bỏ toàn bộ lá trên đoạn thân, chỉ để lại lá ở hai đầu cắt. Phần lá này là dấu hiệu để quan sát và đánh giá tiến trình phát triển của cây. Tiếp theo, một đầu của đoạn giâm cần được làm ướt rồi nhúng trực tiếp vào thuốc kích thích mọc rễ.
Cuối cùng, người trồng dùng que tạo một lỗ tròn có đường kính lớn hơn cành giâm để tránh tác động lên lớp thuốc, cắm ½ cành giâm xuống đất, lấp đất, cố định cây và tưới nước.
Nếu bạn làm đúng các bước kể trên, rễ cây sẽ sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong tối thiếu một tuần.
4. Những điều cần ghi nhớ khi trồng hoa hồng từ cành giâm
Để hoa hồng thuận lợi phát triển, bạn cần nên ghi nhớ những điều sau đây:
– Khi chọn cành giâm cần chọn các cành đã thuần khí hậu ở địa phương mà bạn đang có ý định giâm cành.
– Giữ ẩm cho đất. Nguồn đất ẩm là cơ sở để đảm bảo khả năng sinh trưởng của rễ cây. Ngoài ra, cung cấp đủ nước cho đất cũng sẽ giúp hoa có vẻ ngoài tươi tắn và hương thơm (Tham khảo thêm các kinh nghiệm tưới vườn hoa hồng). Tuy nhiên hạn chế tưới nước vào buổi tối vì dễ gây ứ đọng rồi thối rễ cành giâm.
– Chỉ cắt cành giâm trước khi bạn trồng hoa, tránh tình trạng cành bị chết khô do bị tách cây của lâu.
5. Chăm sóc cành giâm hoa hồng sau khi đã nhân giống
Sau khi trồng, cành giâm cần được sống trong bóng râm và cung cấp đủ nước. Nền nhiệt lý tưởng để nuôi trồng hoa hồng từ cành giâm là 21 độ C. Người trồng có thể sử dụng các loại lưới che nông nghiệp, bạt nhà kính để bảo vệ cây khỏi tác động trực tiếp từ ánh nắng mặt trời.
Bên cạnh đó, hãy dành thời gian theo dõi tiến độ phát triển của cây. Thông thường, cành giâm sẽ hình thành rễ trong vòng 10-14 ngày. Để kiểm tra, bạn lay nhẹ cành giâm. Khi thấy có dấu hiệu của sự bám rễ, bạn thêm phân bón để cây sinh trưởng thuận lợi hơn.
Trên đây là một vài điều cần lưu ý xoay quanh chủ đề nhân giống hoa hồng bằng cành giâm. Hy vọng những gợi ý vừa rồi sẽ hữu ích đối với các độc giả đang có ý định lựa chọn kỹ thuật giâm cành để trồng hoa hồng.