Hoa hồng là loài hoa được ưu chuộng từ xưa đến nay bởi nó có nhiều công dụng tuyệt vời. Chủng loại của hoa hồng ngày càng ngày phong phú và đa dạng. Việc trồng và chăm sóc hoa hồng không thực sự quá khó. Tuy nhiên, vấn đề mà người chơi hoa hồng lo ngại đó là biện pháp hạn chế các bệnh gây hại trên cây. Trong số các bệnh trên hoa hồng, bệnh phấn trắng là bệnh hại phổ biến nhất. Có thể dễ dàng nhận biết bệnh bằng các mảng bám như tơ, phấn bám trên các bộ phận của cây. Việc phòng ngừa và điều trị hoa hồng bị bệnh phấn trắng sẽ cần một chút kiên nhẫn. Đừng quá lo lắng, bài viết này sẽ giúp bạn!
Nguyên nhân khiến cây hoa hồng bị bệnh phấn trắng
Độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loại nấm bệnh. Đối với bệnh phấn trắng cũng thế. Một môi trường có độ ẩm cao, khoảng cách trồng dày đặt, thoáng khí kém hoặc hoặc đất khô là nguyên nhân thúc đẩy bệnh phấn trắng xuất hiện.
“Bệnh phấn trắng hoa hồng là bệnh hại hoa hồng do nấm Podosphaera pannosa gây ra. Sự phát triển các mảng “phấn trắng” có thể ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trên không của cây. Các bào tử nấm sinh sôi rất nhanh có nguy cơ lây lan bệnh rất nhanh ra toàn thân cây và các cây xung quanh. Vì vậy cần phát hiện nhanh và có hướng điều trị phù hợp.”
Dấu hiệu cây hoa hồng bị bệnh Phấn trắng
- Xuất hiện một lớp trắng, trông như tơ bông gòn, hoặc phấn trên lá và chồi. Triệu chứng có thể xuất hiện trên cả hai mặt của lá. “Phấn trắng” cũng có thể xuất hiện trên thân cây, cuống hoa, đài hoa và cánh hoa
- Các vùng bị ảnh hưởng của lá có thể bị đổi màu (vàng, hoặc đỏ tía). Các lá non có thể bị xoăn và bị biến dạng và rụng sớm.
- Nụ hoa bị nhiễm “phấn trắng” cũng có thể bị biến dạng. Chúng khiến nụ không nở đúng cách, cuốn hoa dày hơn.
- Sự phát triển của lớp phấn trên tất cả các bộ phận có thể chuyển sang màu nâu khi già đi
Cách phòng ngừa bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng
Chọn giống kháng bệnh, giống rõ nguồn gốc, cây giống khỏe mạnh và chuẩn bị giá thể hoặc làm đất kỹ và sạch bệnh là những yếu tố quan trọng giúp phòng bệnh. Bên cạnh đó, khi đã xác định nguyên nhân gây ra bệnh là do độ ẩm cao và sự lưu thông khí giữa các tán lá kém, ta dễ dàng có biện pháp phòng ngừa thích hợp:
Cải thiện ánh sáng, độ thông thoáng
- Chọn vị trí có ánh sáng đầy đủ (hoa hồng cần được tắm nước 6-8 giờ mỗi ngày).
- Đảm bảo vị trí trồng thông thoáng, sạch sẽ.
- Trồng đúng mật độ, các cây nên cách nhau từ khoảng 50-80cm tùy vào khả năng lớn của giống hồng.
- Cắt tỉa cánh, lá định kỳ để đảm bảo độ thông thoáng. Cành bị bệnh thì nên cắt tỉa sâu xuống để loại bỏ mầm bệnh triệt để, tiêu hủy càng xa càng tốt.
Chú ý môi trường đất, cách tưới nước
- Cây trồng trong chậu phải có lỗ thoát nước, giá thể trồng hoa hồng phải có khả năng thoát nước tốt.
- Trong những mùa nắng nóng, khô hạn phải thường xuyên bổ sung độ ẩm cho đất. Có thể bổ sung lớp phủ hữu cơ để giữ ẩm cho đất. Tránh tình trạng tưới ướt lá nhưng đất lại khô rang dễ gây bệnh. Khi cây nhiễm bệnh, việc tưới nước từ trên cao (vào giữa buổi sáng) trong thời tiết khô ráo có thể làm giảm bệnh phấn trắng (không thích tiếp xúc trực tiếp với nước). Tuy nhiên, vẫn cần tránh để lá ẩm ướt trong thời gian dài, vì điều này có thể gây ra các bệnh khác như đốm đen, rỉ sắt.
- Tránh tưới nước vào sáng sớm hoặc chiều tối
- Bón phân hợp lý, và thường xuyên để kích thích sự phát triển của cây. Nhưng nên tránh bón Nitơ quá liều – điều này tạo ra sự phát triển “mềm” và dễ bị tấn công.
Cách điều trị bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng
Khi bệnh chưa diễn biến nặng, chúng ta hoàn toàn sử dụng các phương pháp tự nhiên để điều trị cây hoa hồng bị bệnh phấn trắng. Chẳng hạn như:
Sử dụng Baking Soda hoặc tinh dầu neem
Pha khoảng 1 muỗng canh baking soda (hoặc tinh dầu neem) và nửa muỗng cà phê xà phòng (có thể dùng dung dịch rửa chén) vào 3 lít nước và phun hỗn hợp này lên cây. Hoạt chất sodium bicarbonate trong baking soda được cho là khá hiệu quả để ngăn chặn sự phát triển của các bào tử nấm. Tuy nhiên, chúng có thể tiềm ẩn rủi ro gây cháy lá, trong khi đó, dầu neem là lựa chọn an toàn hơn.
Xem thêm: Dầu neem trị bệnh trên hoa hồng
Dùng sữa tươi
Dù chưa được chứng minh nhưng phương pháp này được khá nhiều người áp dụng thành công. Công thức gợi ý là 1 phần sữa và hai phần nước, phun đều lên cây. Bạn lưu ý sử dụng sữa không đường để tránh thu hút các loại côn trùng khác nhé.
Sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật
Việc phòng trừ sâu bệnh bằng hóa chất, thuốc Bảo vệ thực vật nên là lựa chọn cuối cùng, khi bệnh đã quá nặng. Khi sử dụng hóa chất, cần lưu ý về liều lượng và chu kỳ sử dụng để tránh hiện tượng kháng thuốc và tái bệnh.
Một số loại thuốc khuyên dùng để trị bệnh phấn trắng: DIPOMATE 430SC, SAIZOLE 5SC
Lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
Các loại thuốc bảo vệ thực vật, dù có thành phần hữu cơ, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đối với con người, vật nuôi, côn trùng có lợi. Để bảo vệ bản thân, hãy dùng miếng che mắt và mặc áo dài tay, găng tay và đội mũ. Sử dụng thuốc cần tuân thủ theo nguyên tắc 5 Đúng.