Nếu bạn đang chăm sóc hoa hồng, bỗng một ngày cây của bạn bị rụng lá hàng loạt. Có thể đã có điều gì xảy ra với cây của bạn: sốc nhiệt, thiếu nước, nấm bệnh,..? Việc hoa hồng bị rụng lá có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, làm thế nào để xác định nguyên nhân cho tình trạng cây của bạn, làm thế nào để cứu chữa cho cây, làm thế nào để phòng ngừa. Một loạt câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Cây hoa hồng bị rụng lá do chuyển chậu – thay đổi môi trường sống
Nếu gần đây, bạn vừa thay chậu, chuyển nơi trồng cây hoa hồng thì đó có thể là lý do khiến cây bị héo. Bất kỳ loại cây nào cũng có khả năng trải qua giai đoạn căng thẳng sau khi thay chậu. Khi bị đào lên khỏi đất trồng hoặc chậu, phần rễ cây có khả năng cao bị tổn thương. Điều đó khiến cây tạm thời không thể hút đủ nước và chất dinh dưỡng. Cây bị căng thẳng, sốc môi trường thường biểu hiện qua thân, cành rũ xuống hoặc rụng lá hàng loạt.
Để ngăn ngừa tình trạng này, tốt nhất bạn chỉ nên chuyển chậu trong thời kỳ cây đang “nghỉ ngơi”. Tức là không phải mùa phát triển mạnh của cây, hoặc trong thời điểm ra hoa. Để cây bị sốc môi trường có thể khiến vụ hoa năm đó của bạn trở nên yếu ớt, thưa thớt hơn. Trước khi chuyển chậu cho hoa hồng một đến hai ngày, hãy tưới nước thật đẫm cây. Điều này, giúp cây dự trữ được một phần nước để sử dụng trong thời gian bộ rễ thích nghi với môi trường m
Cây hoa hồng bị rụng lá do thiếu nước, mất nước
Nếu gần đây bạn không chuyển chậu, không tác động gì lên cây, thì lý do khiến cây bị héo phổ biến nhất là thiếu nước. Việc rụng hoa, lá giúp nhu cầu sử dụng nước của cây thấp hơn.
Hãy nhớ rằng, với điều kiện thời tiết thông thường, các bụi hoa hồng cần ít nhất lượng nước tương ứng với độ cao 2.5 – 5cm mỗi tuần.
Nếu bạn vẫn tưới nước cho cây như thông thường, hãy xem lại các yếu tố môi trường bên ngoài. Thời tiết gần đây có nóng hơn không, gió mùa có đang hoạt động (một số nơi ở nước ta bị ảnh hưởng nhiều bởi gió Lào mang hơi khô nóng). Những yếu tố này đều có thể khiến độ ẩm thất thoát nhanh hơn, dẫn đến cây bị thiếu nước. Ta có thể cứu cây bị thiếu nước bằng cách ngắt bỏ lá vàng và bổ sung thêm nước. Nhưng lưu ý chỉ nên bổ sung nước từ từ tức chia nước thành lượng nhỏ, tưới nhiều lần để tránh gây sốc làm yếu cây.
Còn để phòng ngừa, hãy kiểm tra đất thường xuyên, 2-3 lần mỗi tuần để phát hiện sớm cây có đang thiếu nước hay không.
Xem thêm:
Cách tưới nước cho hoa hồng đúng cách
Bao lâu tưới nước cho hoa hồng – Thiết lập chu kỳ tưới hoa hồng hiệu quả
Bên cạnh đó, tưới nước dù thường xuyên nhưng sai phương pháp cũng khiến cây có biểu hiện thiếu nước. Hoa hồng là loại cây mọc rễ sâu. Vì thế cần tưới chậm và kỹ để mọi nơi của rễ đều nhận được nước. Bạn cũng có thể sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để tưới nước cho hoa hồng hiệu quả hơn.
Cây hoa hồng bị rụng lá do không đủ ánh sáng
Cũng như thiếu nước, thiếu ánh sáng cũng khiến cây bị thiếu năng lượng. Và bạn cũng sẽ thấy lá khô giòn rồi rụng như một cách phòng vệ, sinh tồn.
Hoa hồng cần được chiếu sáng ít nhất 6-8 giờ mỗi ngày. Nếu cây có biểu hiện trên, hãy mang cây đến nơi được chiếu sáng nhiều hơn. Và cũng như trên, bạn nên để cây dần dần thích nghi với điều kiện mới. Tránh đột ngột di chuyển cây đến nơi ánh sáng quá nhiều có thể khiến cây bị sốc và rụng lá nghiêm trọng hơn.
Cây hoa hồng bị rụng lá do nấm bệnh
Hoa hồng là loại cây rất dễ bị tấn công bởi các loại bệnh, sâu hại. Một trong những bệnh phổ biến khiến hoa hồng rụng lá hàng loạt đó là bệnh đốm đen. Loại bệnh này thường diễn ra vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Ban đầu, bạn sẽ thấy trên lá một vài vết tròn màu đen trên, và dần dần lan ra toàn bộ lá và cây. Khi bệnh phát triển, chúng làm lá chuyển sang màu vàng và rụng lá.
Tốt hơn hết, bạn nên phòng trừ bệnh này cho hoa hồng bằng cách giữ môi trường trồng thông thoáng. Tránh trồng cây với mật độ quá dày, tránh tưới nước thường xuyên lên lá hoặc vào chiều tối. Cùng với đó, tham khảo thêm Trichoderma để xử lý đất trước khi trồng. Đây là loại phân bón có chứa các chủng nấm có lợi các tác dụng ức chế các chủng nấm gây hại cho hoa hồng.
Nếu chẳng may cây đã nhiễm bệnh, bạn cần có biện pháp điều trị cho cây. Phun thuốc điều trị nấm là cần thiết. Một vài thuốc phun trừ nấm được gợi ý như Dung dịch trừ bệnh SAIZOLE 5SC, Dung dịch trừ bệnh DIPOMATE 430SC. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn các sản phẩm phổ biến, dễ tìm hơn ở địa phương.
Ngay cả khi đã diệt trừ hết nấm, những đốm đen trên lá cũng không thể phục hồi. Việc tỉa, cắt bỏ những đoạn bị nhiễm bệnh là cần thiết để cây mọc lại lá mới và trông đẹp hơn.
Xem thêm: Các bệnh thường gặp trên hoa hồng
Và cuối cùng, cây của bạn có thể rụng lá không vì lý do hoặc bệnh nào cả!
Bạn có thể nhận thấy rằng phần lá gần gốc của một số bụi hoa hồng chuyển sang vàng và rụng. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng cây đang bỏ đi những lá không cần thiết.
Nhiều bụi hoa hồng đã có quá đầy đủ các tán lá giữa và trên đến mức nó che mất các tán lá phía dưới. Do đó, những tán lá bên dưới không thực sự cần thiết để cây phải tốn năng lượng duy trì. Bằng cách này, cây có thể phân phối nguồn năng lượng của mình hiệu quả hơn. Điều đó chẳng gây hại gì, nếu có, chỉ là phần thân dưới của cây trông khá “trơ trọi”. Để che đi, bạn chỉ cần trồng thêm một số loại cây mọc thấp xung quanh bụi hoa hồng.
Trên đây là những đúc kết của Ban Công Xanh về các nguyên nhân gây rụng lá trên cây hoa hồng. Hy vọng bạn có thể đúc kết được các thông tin bổ ích và ứng dụng lên cây trồng của mình.
Xem thêm: